Mới đây, một học sinh lớp 9 ở TX Đông Hòa sau giờ học thể dục đã cùng các bạn xuống biển tắm. Em này không may bị sóng đánh mạnh và cuốn ra xa, dẫn đến tử vong do đuối nước. Vụ việc khiến nhiều người đau xé lòng.
Hay như trường hợp em Đ.V.L (3 tuổi), ởhuyện Sông Hinh. Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, trong lúc cha mẹ đi làm, em ở nhà tự chơi và đi đến bờ hồ trung tâm thị trấn, không may trượt chân ngã xuống hồ…
Trước đó, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra 4 vụ trẻ em tử vong do đuối nước và hàng chục em bị TNTT như điện giật, té xe, bỏng, ngã…
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị TNTT nói chung và đuối nước tăng cao là do kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế. Là địa phương có hệ thống ao hồ, kênh mương khá dày đặc nên tình trạng trẻ em đi chơi vô ý bị tai nạn đuối nước xảy ra thường xuyên. Một số trường hợp trẻ em bị đuối nước, bỏng, điện giật… do môi trường sống xung quanh chưa thật sự an toàn và sự lơ là của người lớn.
Đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ em
Trong những năm qua, các sở, ban ngành trong tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tăng cường kỹ năng phòng chống TNTT, đuối nước cho trẻ như: Truyền thông về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các lớp dạy bơi và truyền thông về kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em độ tuổi 9-15; hỗ trợ xử lý các tình huống bị tai nạn điện giật, bỏng…
Ông Phạm Trần Lê, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh, cho biết: Trẻ em vùng sâu vùng xa rất mê tắm sông suối, vui đùa… trong khi kỹ năng bơi lội, phòng chống TNTT còn hạn chế. Do đó, hằng năm trung tâm đều tổ chức các đợt truyền thông về phòng chống TNTT, đuối nước... cho trẻ em và người chăm sóc trẻ em. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời, loại bỏ các nguy cơ gây TNTT, đuối nước, rơi, ngã và các nguy cơ mất an toàn khác tại địa phương và các hộ gia đình, trường học, lớp học; có biện pháp chủ động khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới, nhắc nhở để bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ em.
Mới đây, Ủy ban quốc gia về trẻ em đã có công văn đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống TNTT trẻ em, đặc biệt là ngăn ngừa các nguy cơ TNTT do cháy, nổ, đuối nước, giao thông. Theo đó, các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí về Ngôi nhà an toàn, Cộng đồng an toàn, Trường học an toàn; tăng cường truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, gia đình, cộng đồng dân cư về tạo lập môi trường sống an toàn, phòng ngừa TNTT trẻ em. Đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, gia cố, cải tạo, sửa chữa các công trình, vị trí có nguy cơ gây TNTT cho trẻ em.
KIM CHI