Tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) xã, phường, thị trấn ở Phú Yên được mở rộng sau ba năm triển khai thành lập. Tuy nhiên hoạt động của tổ chức công đoàn này vẫn còn nhiều hạn chế.
Cán bộ CĐCS xã Xuân Cảnh (huyện Sông Cầu) vận động đoàn viên công đoàn trồng cây xanh tại xã - Ảnh: THÁI NGỌC |
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn ở Phú Yên có tổ chức công đoàn, với trên 3.100 đoàn viên đang sinh hoạt tại 106 CĐCS. Bước đầu, mỗi CĐCS xã có trên dưới 20 đoàn viên, với ban chấp hành 3 - 5 người, triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chăm lo đời sống đoàn viên, phối hợp với chính quyền và các đoàn thể thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội ở địa phương…
Sau khi có CĐCS xã, nhiều chủ trương chính sách mới được cán bộ công đoàn phổ biến đến từng đoàn viên thực hiện ngày một tốt hơn. Tiêu biểu như việc triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại CĐCS xã Ea Ba (huyện Sông Hinh). Sáng thứ hai hàng tuần, khi chào cờ tại UBND xã, CĐCS kể một câu chuyện về Bác Hồ. Từ những câu chuyện này, mỗi cán bộ, đoàn viên tự rút ra kinh nghiệm và sửa đổi lề lối làm việc tại đơn vị. Ông Y Hét, Chủ tịch CĐCS xã Ea Ba, cho biết: Do anh em cán bộ xã phần lớn xuất thân từ nông dân nên gặp nhiều lúng túng trong hoạt động công đoàn. Qua nhiều lần tập huấn, hỗ trợ chuyên môn của công đoàn cấp trên, đến nay, cơ bản chúng tôi đã đi vào hoạt động tương đối nề nếp”.
Chủ tịch CĐCS xã thường do phó bí thư Đảng ủy, phó chủ tịch HĐND hoặc phó chủ tịch UBND xã kiêm nhiệm. Phải kiêm nhiệm nhiều việc, các thành viên trong ban chấp hành CĐCS xã chưa thể đầu tư nhiều cho hoạt động công đoàn. Ông Lê Thanh Quang, Chủ tịch CĐCS xã Hoà Thịnh (huyện Tây Hoà), nói: “Bình quân công chức xã thu nhập 800.000 đồng/người/tháng nên khá chật vật trong đời sống. Hầu như ai cũng nặng gánh gia đình, lo làm thêm để kiếm thu nhập nên khó có thể toàn tâm cho hoạt động công đoàn. Trong khi đó, phụ cấp và kinh phí dành cho hoạt động này vẫn chưa tương xứng nên khó kích thích sự đầu tư công sức của cán bộ”.
Hiện nay bất cập ở mô hình CĐCS xã vẫn còn khá nhiều. Bởi thế, cần phải có chế độ chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ, nhất là tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ CĐCS xã tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cần tìm ra cách làm thiết thực để công nhân viên chức – lao động ở cơ sở gắn bó, tin cậy hơn vào CĐCS xã. Một vấn đề khác là chế độ bảo hiểm cho cán bộ CĐCS xã. Ông Phạm Văn Quảng, Chủ tịch CĐCS xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) bày tỏ: “Anh em cán bộ công đoàn là phó các đoàn thể, phó các bộ phận chuyên môn cấp xã nhưng chưa có trong biên chế công chức, vì vậy chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Trong lúc đồng lương eo hẹp, nếu phải mua bảo hiểm y tế tự nguyện sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập. Rất mong công đoàn cấp trên xem xét vấn đề này”.
THÁI NGỌC