Thứ Tư, 27/11/2024 15:31 CH
Cải cách thủ tục hành chính:
Chậm vì nhiều vướng mắc
Thứ Năm, 18/09/2008 07:00 SA

Thủ tục hành chính đang ngày càng được cải cách và đổi mới. Tuy nhiên, qua đợt giám sát mà HĐND tỉnh Phú Yên vừa tiến hành, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (CCHC) tại một số sở và văn phòng UBND tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc, có sự chồng chéo lẫn nhau...

 

ktra-xay-dung-080918.jpg

Tìm hiểu quy trình thủ tục hồ sơ tại Sở Xây dựng – Ảnh: K.CHI

 

HỒ SƠ TRẢ ĐÚNG HẠN ÍT, VÌ SAO?

 

Theo một số cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên, thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thủ tục còn rườm rà, qua nhiều khâu, nhiều cấp, ảnh hưởng đến tiến độ, công việc của các nhà đầu tư… Từ năm 2007 đến nay, về lĩnh vực đất đai, sở đã tiếp nhận 277 hồ sơ, trong đó, có quyết định và giao trả 176 hồ sơ, còn 101 hồ sơ chưa có kết quả. Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trích lục, trích đo, chỉnh lý biến động và đăng ký thế chấp, sở tiếp nhận 219 hồ sơ, trong đó có quyết định trả 211 hồ sơ, đang trình UBND tỉnh 8 hồ sơ. Lĩnh vực môi trường, tiếp nhận 45 hồ sơ, đã trả qua tổ một cửa 34 hồ sơ…

 

Bà Trần Thị Na, cán bộ Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết: Theo quy định của Trung ương, một bộ hồ sơ giao đất hay cho thuê đất giải quyết trong 20 ngày, trong khi đó, tỉnh quy định chỉ còn 10 ngày. Vì thời gian gấp rút nên cán bộ không thể nào làm kịp được. Ví dụ, một hồ sơ để thu hồi đất theo quy định của Trung ương phải qua 5 bước: thông báo chủ trương thu hồi, lập phương án đền bù tổng thể, rồi trình UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất, lập phương án đền bù chi tiết và cấp huyện ra quyết định thu hồi. Nếu không thực hiện đầy đủ thì không hợp lệ. Còn nếu làm đúng quy trình thì rất tốn thời gian, nên có rất ít hồ sơ được trả đúng thời hạn.

 

Bà Na phân tích, theo Nghị định 181/NĐ-CP, một bộ hồ sơ giao đất không cần phải có thiết kế cơ sở khi các dự án không phải dùng ngân sách Nhà nước hoặc nếu là vốn Nhà nước thì cũng không cần thiết kế kỹ thuật. Nhưng khi về tỉnh thì quy định phải có thiết kế cơ sở để biết được nhu cầu sử dụng đất của nhà đầu tư. Chính vì thế, nhiều chủ dự án bối rối, lý do đất chưa giao nên chưa thể lập thiết kế cơ sở. Hoặc Trung ương quy định Sở Tài nguyên – Môi trường phải thẩm định nhu cầu sử dụng đất, nhưng sở không làm được. Theo quy định, đối với tổ chức xin đất tại địa phương, nếu có đất ở địa phương khác thì phải kiểm tra để biết rằng họ có vi phạm pháp luật ở nơi cư trú không, nếu vi phạm thì không cho đầu tư. Vấn đề này chúng tôi không thực hiện được và cũng đã kiến nghị lên Bộ Tài nguyên – Môi trường. Bên cạnh đó, hiện nay trình độ cán bộ địa chính ở xã, phường rất yếu nên nhiều bộ hồ sơ trình lên không hợp lệ, thiếu giấy tờ, phải xác minh lại nên thời gian kéo dài, dẫn đến chậm tiến độ của nhà đầu tư.

 

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên Nguyễn Kim Phúc dù thực hiện CCHC nhưng vẫn còn nhiều hồ sơ tồn đọng, thẩm định chậm do thiếu nhân lực.

 

Tại Sở Kế hoạch - Đầu tư Phú Yên, nhiều vướng mắc trong CCHC được cán bộ đưa ra như văn bản pháp quy của bộ, trung ương thay đổi liên tục, nhiều chương trình dự toán chậm, sau đó giá lại thay đổi nên phải trình UBND tỉnh duyệt và phải tổ chức đấu thầu lại… Theo Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Phú Yên Nguyễn Chí Hiến, hiện nay một số văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương ban hành có một số quy định chưa đồng bộ, thủ tục trong lĩnh vực đầu tư có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn rườm rà, phức tạp, việc giải quyết công việc giữa các cơ quan liên quan trong quản lý đầu tư còn thiếu sự phối hợp nên gây ách tắc.

 

LIÊN THÔNG NHƯNG...CHƯA THÔNG!

 

Ông Lê Văn Trúc, Giám đốc Sở Xây dựng Phú Yên, cho biết hiện sở này đang thực hiện tốt việc CCHC. Tuy nhiên, một số lĩnh vực như cấp chứng chỉ quy hoạch xây dựng, thông báo thỏa thuận địa điểm xây dựng không thể làm đúng với thời gian quy định được. Vì theo quy định, chỉ trong vòng 3 ngày phải xong mọi thủ tục như lấy ý kiến các ngành liên quan, khảo sát lại địa điểm (vì nhiều nhà đầu tư trình địa điểm chung chung)… Trong khi đó, một bộ hồ sơ trình lên UBND tỉnh theo quy định phải chờ đến 10 ngày! Nhiều hồ sơ xây dựng đã có bản đồ địa chính rồi, nhưng trình qua cơ quan liên quan thì họ bắt buộc nhà đầu tư phải đo lại (theo quy định nếu đã có bản đồ địa chính thì chỉ cần trích sao là hợp lệ). Ngoài ra, do trình độ một số nhà tư vấn, quy hoạch tại Phú Yên rất yếu, nên hồ sơ phải sửa đi sửa lại mất thời gian… Bên cạnh đó, các công trình xây dựng luôn liên đới cùng các sở-ngành khác như quy hoạch-kiến trúc, kế hoạch-đầu tư, phòng cháy chữa cháy… nhiều khi gặp ách tắc, do cơ chế liên thông giữa các sở - ngành chưa… thông!

 

Qua các buổi giám sát, đồng chí Trịnh Thị Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên cho rằng: Mặc dù đã có nhiều cải tiến, hoàn chỉnh các thủ tục, quy định về thủ tục CCHC, mẫu hóa một số thủ tục giải quyết công việc hành chính liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhưng CCHC ở Phú Yên hiện nay vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ để tránh gây phiền hà cho dân. Do đó, cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng kết quả và yếu kém. Trên cơ sở đó có những giải pháp thực tế và căn cơ để tạo bước chuyển biến rõ rệt trong CCHC.

 

KIM CHI

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek