Lớp dạy nghề cắt may của Trung tâm dạy nghề huyện Đồng Xuân có hơn mười học viên khuyết tật theo học. Họ say sưa tập đạp trên những mảnh vải và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau để lần sau làm cho đẹp hơn.
Giáo viên đang hướng dẫn các học viên khuyết tật cách tháo lắp động cơ xe máy Ảnh: NGỌC HÂN |
Đến nay, Trung tâm dạy nghề huyện Đồng Xuân đã dạy miễn phí các nghề mây tre đan, trồng nấm, sửa chữa xe máy, cắt may, thợ mộc… cho 182 học viên là người khuyết tật.
Em Mang Thị Dần, dân tộc Bana, 16 tuổi ở buôn Da Dù (xã Xuân Lãnh) bị teo cơ, đi lại rất khó khăn nhưng ngày nào cũng nhờ người thân đưa đến lớp. Dần cho biết: “Em học được gần hai tuần rồi, đã biết cách đạp thẳng đường chỉ, biết cách suốt chỉ, bỏ ổ thuyền… Đến đây, em có thêm nhiều bạn mới cùng hoàn cảnh với mình, lại được thầy giáo hướng dẫn rất tận tình. Nghĩ đến việc có thể tự may quần áo cho mình và gia đình, bạn bè, em thấy hạnh phúc lắm”. Còn ở lớp sửa chữa xe máy, 5 học viên khuyết tật khác đang chăm chú thực hành lắp ráp động cơ xe. Học viên Nguyễn Phi Long, 33 tuổi ở thôn Phước Huệ (xã Xuân Quang 2) bị yếu cả chân lẫn tay, hoạt động khó khăn nhưng vẫn nhẫn nại, kiên trì với việc học nghề. Anh Long bộc bạch: “Bị tật nguyền nên tôi rất khó tìm được việc làm phù hợp. Hy vọng sau khi học xong nghề sửa chữa xe máy, tôi có thể mở một tiệm nhỏ tại nhà để kiếm sống lâu dài”.
Các học viên học nghề ở đây đều có điểm chung là mong muốn có một nghề mưu sinh thích hợp để tự nuôi bản thân và không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Ông Trương Hoài
Có được nghề nghiệp phù hợp, ổn định là khát vọng chung của người khuyết tật. Được học nghề, các học viên đã dần dần xoá bỏ được mặc cảm bệnh tật, khiếm khuyết, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Một học viên tâm sự: “Nhờ trung tâm mở lớp dạy nghề mà em có thêm nhiều bạn mới và nhất là có thêm nghị lực để học thành nghề. Sau này, em có thể tự lao động lo cho bản thân, không phải phụ thuộc vào ai, không xấu hổ mỗi khi tiếp xúc với mọi người xung quanh”. Theo thầy giáo Tô Văn Ánh, giáo viên dạy sửa chữa xe máy của Trung tâm dạy nghề huyện Đồng Xuân, người khuyết tật rất phù hợp với những việc làm tỉ mỉ, đòi hỏi sự kiên trì trong lao động. Vì vậy, khi được tạo điều kiện học nghề, họ rất chăm chỉ. Sau khi thành nghề, họ có thể tự vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Còn thầy Võ Văn Dương dạy lớp cắt may thì chia sẻ: “Dạy nghề cho người khuyết tật, giáo viên phải hết sức chịu khó. Vì có học viên bị thiểu năng trí tuệ, học trước quên sau và ngược lại. Nếu thầy cô không kiên nhẫn hướng dẫn, thực hành nhiều lần thì học viên không thể thành nghề. Do đó, chúng tôi luôn nhắc nhau phải giữ vững cái tâm và tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy”.
NGỌC HÂN