Thứ Hai, 30/09/2024 10:39 SA
Thắp lên niềm tin cho người tàn tật
Thứ Năm, 20/04/2006 08:22 SA

Một người là bác sĩ, người kia là họa sĩ. Hai con người, hai công việc khác nhau nhưng họ có một điểm chung tấm lòng dành cho những người khuyết tật. Bằng chính chuyên môn của mình, một người chuyên tìm và giúp người tàn tật phục hồi chức năng, người kia tìm những trẻ em khuyết tật tập hợp lại mở lớp dạy nghề để các em có thể tự kiếm sống bằng chính đôi tay của mình. Họ đã giúp những người tàn tật thắp lên niềm tin hy vọng, hoà nhập vào cộng đồng.

 

BÁC SĨ CỘNG ĐỒNG DƯƠNG TẤN THỊNH

 

060420-tat.jpg
Ngô Việt Trung đang hướng dẫn cho các em khuyết tật thêu theo mẫu - Ảnh: Trần Qưới
Năm 1999, bác sĩ Dương Tấn Thịnh hoàn thành chuyên khoa I, khoa Y tế Cộng đồng. Dù công tác quản lý bệnh viện chiếm hầu hết thời gian, nhưng anh vẫn kiêm luôn nhiệm vụ điều trị. Phục hồi chức năng (PHCN) cho những bệnh nhân sau chấn thương, bác sĩ trẻ này không khỏi chạnh lòng trước hoàn cảnh và nỗi bất hạnh của họ. Hình ảnh những đứa trẻ bại não, thiểu năng trí tuệ, những em bé bị sốt bại liệt dẫn đến khó khăn trong vận động, những cụ già bị tai biến… cứ chập chờn trong từng giấc ngủ của anh.

 

Rất may tại thời điểm đó, Bôï Y tế triển khai thí điểm chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ), bác sĩ Thịnh chớp ngay thời cơ xin được triển khai tại Phú Yên. Anh xung phong tập huấn phương pháp y học về PHCN và trực tiếp phụ trách từ việc điều tra số người tàn tật đến theo dõi, hướng dẫn họ tập luyện. Ngay năm đầu tiên, chương trình đã được triển khai trong 10 xã. Càng sâu sát với cơ sở, bác sĩ Dương Tấn Thịnh nhận ra một điều: Còn quá nhiều người  cần được PHCN nhất là người nghèo. Anh càng hiểu họ sự tự ti mặc cảm và nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần của những người tàn tật và gia đình. Vì vậy, hàng năm bác sĩ Thịnh lại lặng lội về các xã, tìm người tàn tật đưa vào chương trình. Công trình “Điều tra nghiên cứu các dạng tàn tật và ứng dụng kỹ thuật PHCN” vừa được Hội đồng khoa học tỉnh Phú Yên thông qua và đánh giá cao. Với nhiều người, từ miền xuôi đến miền núi, bác sĩ Dương Tấn Thịnh là một ân nhân. Còn với anh, thêm một người tàn tật được hoà nhập vào cộng đồng là bớt đi một nỗi đau, một gánh nặng cho xã hội và riêng mình được thanh thản, nhẹ lòng.

 

HỌA SĨ BÁN TRANH GIÚP TRẺ HỌC THÊU

 

060420-khuyet-tat.jpg
Chị Nguyễn Thị Nữ
Họa sĩ Ngô Việt Trung có cách khác để giúp người tàn tật, cụ thể là trẻ em tìm được niềm vui trong cuộc sống. Cám cảnh trước những cuộc đời bất hạnh, khâm phục trước những tấm gương vượt khó của người tàn tật, anh có bước rẽ cuộc đời. Đang khá bận bịu với công việc tại thành phố Hồ Chí Minh, Ngô Việt Trung đã quyết định về quê, phụ trách lớp dạy thêu mỹ nghệ cho 20 em khuyết tật do Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Phú Yên tổ chức. Công việc của anh là vẽ mẫu để các em thêu kiêm “bảo mẫu” của lớp. Những ngày đầu, lớp học yên tâm với nguồn tài chính do các nhà hảo tâm bảo trợ. Càng về sau, nguồn tài chính vơi dần, thầy chủ nhiệm Trung kiêm luôn công việc vận động tài chính. 20 con người, 20 miệng ăn, chi phí hàng tháng, dẫu rất tiết kiệm cũng lên tới vài triệu. Ngoài giờ vẽ mẫu, những lúc rảnh và ban đêm, anh lại cặm cụi vẽ tranh, chép tranh bán để có thêm thu nhập hỗ trợ cho lớp học. Thương con trai, thương đám trẻ khuyết tật, ông Ngô Sao Kim, bố anh, cũng xắn tay vào cuộc, vận động tài trợ giúp lớp học vượt qua khó khăn về tài chính.

 

NIỀM TIN ĐƯỢC THẮP SÁNG

 

Đến nay, chương trình PHCNDVCĐ đã được triển khai 35 xã/8 huyện, thành phố. Gần 1000 người tàn tật được phục hồi, cấp xe lăn, nạng kẹp và các vật dụng chuyên hỗ trợ khác. Ngoài ra, chương trình đã hỗ trợ vốn để người tàn tật học nghề. Tỷ lệ người tàn tật sau PHCN có thể hoà nhập vào cộng đồng đạt 87,12%. Theo kết quả nghiên cứu khoa học của bác sĩ Dương Tấn Thịnh, số người tàn tật trên địa bàn tỉnh chiếm 5,2% dân số (khoảng 40.000 người), trong đó 12.000 người có nhu cầu phục hồi ngay, nhiều nhất là nhóm khó khăn về vận động (chiếm 50,71%) trên tổng số người tàn tật.

Cho đến nay, chương trình PHCNDVCĐ và công trình nghiên cứu của bác sĩ Dương Tấn Thịnh đã mang lại hiệu quả nhất định. 2/3 số người tham gia chương trình đã được phục hồi và hòa nhập vào cộng đồng. Từ kết quả nghiên cứu khoa học, một dự án về “Phát triển chuyên ngành PHCN cho người tàn tật đến năm 2020” đang hình thành; tất cả người tàn tật được “tìm” đưa vào chương trình.  Nhiều người đã nói năng lưu loát, đi lại dễ dàng, tự lao động nuôi sống chính mình, Nguyễn Thị Nữ ở xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) là một ví dụ.

 

Không ai ở xã miền núi này nghĩ đến một ngày, cô gái đáng thương Nguyễn Thị Nữ có thể đi lại trên chính đôi chân tật nguyền của mình. Cơn sốt bại liệt đã gắn chặt Nữ vào đôi nạng gỗ. Cho đến một ngày, chương trình PHCNDVCĐ được triển khai ở đây. Bàn tay nhân hậu của những y, bác sĩ,  kỹ thuật viên của chương trình đã đưa Nguyễn Thị Nữ về với cộng đồng bằng liệu pháp. Cùng với lòng quyết tâm, nghị lực phi thường cuối cùng đôi chân ốm tong ốm teo của Nữ cũng bước đi được. Ngày bỏ được đôi nạng gỗ để bước trên đôi chân, cô đã khóc mặt đầy nước mắt trộn lẫn mồ hôi. Những giọt nước mắt hạnh phúc!

 

Nhưng sự nghèo khó vẫn đeo đẳng cô gái, và chương trình PHCNDVCĐ lại giúp cô có vốn để học nghề may, mua máy may. Sau hai năm, Nguyễn Thị Nữ đã trở thành chủ tiệm may. Nhiều khách hàng đến với tiệm may bởi yêu mến đôi bàn tay khéo léo và cảm phục nghị lực của cô gái.

 

Nhiều trường hợp khác như anh Ngô Văn Hải, H’Brối… được chương trình giúp PHCN và hỗ trợ xe lăn, học nghề tự kiếm sống. Nhiều em nhỏ bại não, cụ già bị tai biến dẫn đến thiểu năng, phần nào hòa nhập với cuộc sống bình thường.

 

Họa sĩ Ngô Việt Trung và lớp học của trẻ khuyết tật cũng nhận được sự đồng cảm, sẻ chia giúp đỡ. Căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm trên đường Lê Lợi là phòng học và cũng là “nhà xưởng”, suốt ngày đầy ắp những tiếng cười trong trẻo. Mỗi người một cảnh, có em khó khăn về vân động, có em khó khăn về nghe, nói, nhìn… xong tất cả đều có ý thức tự lập, cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Giờ đây, các em có thể vui với những sản phẩm của mình. Cả thầy và trò đang ấp ủ ước mơ mở một cửa hành tranh thêu mỹ nghệ. Mà cũng chẳng phải mơ, những con người nhiệt tình ấy đang từng bước biến điều đó trở thành hiện thực.

 

THẾ NHƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek