Thôn Thạch Khê, xã Xuân Lộc (huyện Sông Cầu) trước đây có cánh đồng Quang khá trù phú. Từ khi cánh đồng Quang chuyển thành vùng nuôi tôm sú, người dân trong vùng không đủ vốn nuôi tôm nên đã chuyển nhượng hoặc cho người nơi khác thuê lại để nuôi tôm. Đến khi nghề nuôi tôm liên tục mất mùa, thua lỗ, người nuôi tôm bỏ đi hết để trơ lại cánh đồng Quang nhiễm mặn không làm lúa được. Thế là cả xóm cùng nhau đi… rừng.
Mẹ, con cùng là cư dân của “xóm đi rừng”
Hằng ngày, cư dân của xóm phải thức dậy từ 12 giờ đêm để bắt đầu cuộc hành trình đi rừng dưới chân núi Hòn Ngang và Hòn Bồ. Trong những người đi rừng có rất nhiều phụ nữ, thiếu niên. Họ vượt 15 – 20 cây số đường núi, lên vùng rừng giáp ranh với huyện Đồng Xuân và huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) để vác gỗ về.
12 giờ trưa, cư dân “xóm đi rừng” về tới chân núi Hòn Ngang
Loại cây duy nhất còn khai thác được ở đây chỉ có chò. Chò đã được khai thác sẵn, những cư dân của “xóm đi rừng” chỉ việc vác về. Kích thước “chuẩn” là bề mặt rộng 40cm, dày 10cm và dài 2,5m những phụ nữ, thiếu niên vác được mỗi người một tấm, đàn ông khỏe mạnh thì vác được hai tấm. Cứ đến 12 giờ trưa, “dân đi rừng” về tới chân núi, bán gỗ với giá 58.000 đồng/tấm. Một cư dân của “xóm đi rừng” thổ lộ: “Dẫu biết là vi phạm pháp luật, trở thành lâm tặc, nhưng vì người dân ở đây không có việc gì để làm; trong khi từ tiền ăn học, cơm áo của con đến tất cả mọi thứ khác cứ dồn đổ trên vai. Ước mơ của họ là cánh đồng Quang được cải tạo lại để làm lúa!”.
Ước mơ tưởng đơn giản ấy với họ vẫn còn xa vời!
LY KHA