Cuộc sống dù khó khăn, cực nhọc trăm bề nhưng bà Đặng Thị Nghệ ở thôn Lãnh Vân (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) vẫn quyết tâm nuôi con học hành nên người. Giữa những tháng năm bộn bề gian khó, bà thắp lên ánh sáng của niềm tin yêu cuộc sống bằng nghị lực của người lính Cụ Hồ bước ra từ cuộc chiến năm xưa.
Bà Nghệ (bên trái) đang hướng dẫn thủ tục vay vốn tiết kiệm cho phụ nữ trong xã Xuân Lãnh – Ảnh: NGỌC DUNG
Chồng lâm bệnh rồi mất lúc bà Đặng Thị Nghệ mới hơn 35 tuổi. Bà đã phải trải qua những năm tháng thật khắc nghiệt khi vừa phải đối diện với những buồn đau, mất mát, vừa gắng gượng nuôi ba đứa con thơ dại.
Bà Nghệ nhớ lại: “Ngày ấy, đồng lương còi cọc của nhân viên trạm y tế xã không đủ để trang trải cho cuộc sống, nói chi đến chuyện nuôi các con ăn học. Vậy là, ngoài thời gian đi làm ở trạm, tôi còn mua bán thêm bên ngoài để tăng thu nhập”. Hằng ngày, bà Nghệ dậy từ 3 giờ sáng lặn lội chở mắm muối, rau dưa đến các buôn Soi Nga, Da Dù trong xã và thôn 1 (xã Đa Lộc) để bán. Chắt bóp dành dụm mãi, cuối cùng bà Nghệ mua được con heo về nuôi. Sau khi bán heo, có ít tiền trong tay, bà mua con bò cái gửi cho người ta chăn dắt. Bò mẹ đẻ ra nghé, bà và người chăn dắt luân phiên nhau nhận. Cứ thế, đàn bò nhà bà Nghệ mỗi ngày một nhiều. Chính nhờ đàn bo mà các con bà được ăn học, cuộc sống gia đình không còn lâm vào cảnh túng thiếu.
Trong suốt cuộc trò chuyện, bà không ngừng nhắc đến cậu con trai Phạm Tiến Dũng và hai cô con gái Phạm Thị Ánh Nguyệt, Phạm Thị Tuyết Nga với tình yêu thương vô bờ. Dũng là con trai duy nhất nên luôn ý thức mình là chỗ dựa tinh thần của mẹ và hai em gái. Dũng vừa đi học, vừa phụ giúp những công việc nặng nhọc trong nhà, vừa chỉ dẫn hai em học hành. Cả ba anh em luôn động viên nhau cố gắng học tập tốt. Học cho bản thân và học cho cả ước mơ của mẹ. Dũng đã tốt nghiệp trung cấp thư viện và đang công tác tại xã Xuân Lãnh. Cô con gái Phạm Thị Ánh Nguyệt là giáo viên Trường THCS Phan Lưu Thanh (huyện Đồng Xuân), còn Phạm Thị Tuyết Nga hiện là Phó Bí thư Xã đoàn Xuân Lãnh.
Bà Nghệ thổ lộ: “May mà tụi nhỏ đều ngoan, biết nghe lời và thương mẹ. Từ ngày còn nhỏ, chúng đã có ý thức giúp đỡ mẹ. Một buổi đi học, một buổi đi hái rau, hái củi phụ mẹ. Cuộc sống của mẹ con tôi có lúc thật khó khăn, nhưng trong đầu tôi chưa bao giờ xuất hiện ý nghĩ không cho con ăn học”.
Với bà Nghệ, ký ức về những năm tháng lịch sử hào hùng chưa bao giờ phai nhòa. Trong căn nhà nhỏ này, chúng tôi bắt gặp rất nhiều Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến sĩ giải phóng được trao cho bà Nghệ. Người nữ pháo binh trên đất Quảng Nam ngày ấy luôn dặn lòng mình phải sống xứng đáng truyền thống vẻ vang của bộ đội Cụ Hồ. Bà ít khi nói về việc mình làm, nhưng chúng tôi biết từ sự giúp đỡ tận tình của bà trong suốt 16 năm làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, đã có nhiều phụ nữ nghèo ở Xuân Lãnh vượt qua cơn bĩ cực.
Bây giờ, ở tuổi 56, tuy nghỉ hưu nhưng bà Nghệ vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương. Bà là chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh, cộng tác viên dân số, tổ trưởng tổ vay vốn tiết kiệm của Hội Phụ nữ xã. Nhiệm vụ nào bà cũng hoàn thành tốt. Ông Võ Trọng
NGỌC DUNG