Thứ Năm, 03/10/2024 11:31 SA
Từ nghiên cứu của dự án “Những cuộc đời trẻ thơ”:
Cần chặn đứng những nguy cơ đối với trẻ em nghèo
Thứ Sáu, 29/08/2008 10:30 SA

Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã thông qua nhiều luật, chương trình nhằm chăm sóc, bảo vệ trẻ em tốt hơn và đã đạt được tiến bộ quan trọng trong cải thiện cuộc sống cho trẻ. Đặc biệt, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm một nửa trong giai đoạn từ 1993-2003, tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Đến năm 2006, tỉ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi chỉ bằng 1/3 so với năm 1990.

 

kham-benh-tre-em-080829.jpg

Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Sơn Hòa  – Ảnh: T.THỦY

 

Ngày nay, điều kiện sống của trẻ em Phú Yên nói riêng, cả nước nói chung đang được cải thiện. Tuy nhiên, ở những vùng núi, dân tộc thiểu số, các xã bãi ngang, vẫn còn rất nhiều trẻ em thuộc diện nghèo các loại.

 

Một yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ với các thay đổi về nghèo trẻ em là trình độ học vấn của cha mẹ. Chẳng hạn, đối với các em trong nhóm trẻ nhỏ (sinh năm 2001-2002) có mẹ có trình độ học vấn dưới mức tiểu học thì tỉ lệ các em sống dưới mức nghèo hay sống trong gia đình thuộc nhóm 20% hộ có chỉ số giàu thấp nhất (còn gọi là nghèo trẻ em III) là 47% năm 2002, tỉ lệ này tăng lên 65% vào năm 2006. Trong nhóm trẻ nhỏ, các em có mẹ chưa học hết tiểu học có tỉ lệ còi lùn tăng cao nhất, từ 7% trong điều tra vòng một lên 41,5% trong điều tra vòng hai. Trong cả hai nhóm trẻ, mức tăng tỉ lệ còi lùn là không nhiều đối với các em có mẹ đã tốt nghiệp THPT. Thực tế cho thấy, tỉ lệ trẻ em bỏ học trong nhóm trẻ lớn (sinh năm 1994-1995) tập trung vào các em có mẹ chưa học hết THCS. Trình độ học vấn của người mẹ là một chỉ số dự báo về tỉ lệ trẻ bỏ học.

 

Có mối tương quan giữa nghèo trẻ em với mức độ tiếp cận các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, điện, nước sạch, các công trình vệ sinh. Nhóm trẻ em sống ở vùng không có nước sạch có tỉ lệ nghèo tuyệt đối, nghèo tương đối, tỉ lệ còi lùn cao hơn so với nhóm trẻ em sống ở nơi đã có nước sạch. Bên cạnh bất bình đẳng giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn, khác biệt về tộc người cũng còn khá cao, trong tất cả các chỉ số quan trọng về nghèo trẻ em như tiêu dùng, chỉ số nghèo tuyệt đối, tương đối, chỉ số giàu, kèm theo là nghèo trẻ em III, tình trạng còi lùn, đi học mẫu giáo lớn, đi học, tiếp cận điện, nước sạch và các công trình vệ sinh. Ngoài ra, có liên kết chặt chẽ giữa vấn đề dinh dưỡng của trẻ em với học vấn của mẹ, bất kể tình trạng giàu nghèo về tài sản của gia đình. Đáng chú ý hơn cả, sau khi xem xét một loạt yếu tố cho thấy kết quả học tập của trẻ em ở cả hai lứa tuổi 5 và 12 liên quan chặt chẽ đến tình trạng nghèo về mặt vật chất của gia đình, suy dinh dưỡng trong giai đoạn nhi đồng cũng như với trình độ học vấn của cha mẹ. Trình độ của người mẹ, điều kiện chăm sóc kém dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ cao. Từ đó, trẻ không phát triển trí não, dẫn đến học yếu rồi tự bỏ học. Trẻ em nghèo mà không được đi học sẽ không xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, tỉ lệ trẻ em lao động sớm khá cao, tỉ lệ nghịch với trình độ học vấn của người mẹ.

 

Qua khảo sát, trẻ em ở hai xã Sơn Giang, Suối Bạc (Sơn Hòa) không có khu vui chơi, trường học không vệ sinh, giếng nước, y tế không bảo đảm. Từ đó cho thấy quyền học tập, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe chưa được chú trọng. Báo động chung là tỉ lệ suy dinh dưỡng vẫn còn cao. Trong khi đó, suy dinh dưỡng thể cân nặng dễ phục hồi nhưng suy dinh dưỡng thể còi lùn rất khó khắc phục.

 

Nếu gia đình không duy trì việc học hành, thì sẽ chuyển nghèo cho thế hệ sau. Do vậy, cần đầu tư cho con ăn học để có một tương lai tốt đẹp hơn. Ngành giáo dục đào tạo cần đầu tư nâng cao chất lượng. Các ngành, đoàn thể khác quan tâm đến đối tượng đặc biệt khó khăn để các em được đi học.

 

Nghiên cứu của dự án “Những cuộc đời trẻ thơ”  thực hiện từ năm 2002 với 600 trẻ em tại 6 xã ở Phú Yên cho thấy nghèo tuyệt đối chiếm 20,8%, nghèo tương đối 13,4%. Mức độ giàu/nghèo của gia đình là một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Các nhóm gia đình 25% cận nghèo và 25% nghèo nhất của chỉ số giàu có tỉ lệ trẻ còi lùn tăng cao hơn so với nhóm gia đình khá giả.

                        

PHẠM THỊ TƯƠNG LAI

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek