Thứ Năm, 28/11/2024 01:40 SA
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang:
Cần nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn
Thứ Sáu, 29/08/2008 14:30 CH

Từ năm 1998 đến nay, tình hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn Phú Yên theo tinh thần Chỉ thị 27 - CT/TW của Bộ Chính trị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đánh giá của cơ quan chuyên trách, việc tổ chức cưới, tang ở các địa phương nhìn chung đã đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm hơn. Tuy vậy, để tổ chức việc cưới, việc tang cho phù hợp với nếp sống văn hóa mới và các quy định của pháp luật, còn rất nhiều việc phải làm.

 

dam-cuoi-080829.jpg

Các đám cưới ngày càng được tổ chức trang trọng và văn minh hơn (ảnh chỉ có tính chất minh họa) - Ảnh: THÙY THẢO

 

LÃNG PHÍ, PHÔ TRƯƠNG...  KHÓ HẾT!

 

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sông Hinh Trần Đức Quang, bên cạnh các kết quả đáng mừng, vẫn còn nhiều gia đình tổ chức cưới xin, ma chay theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” nên tiến hành linh đình, gây lãng phí thời gian và tiền của. Ông Quang cho biết: Dù đã tròn mười năm (1998 – 2008) Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống nhưng hiện tình trạng tảo hôn, yêu vội cưới nhanh, không có đăng ký kết hôn vẫn còn xảy ra. Đây là nguyên nhân góp phần làm gia tăng ly hôn, bạo lực gia đình và các hệ lụy đáng buồn khác trong cuộc sống gia đình, nhất là ở các cặp vợ chồng trẻ. Một nét đáng chú ý là việc tổ chức sinh nhật, mừng tân gia… đang có khuynh hướng ngày càng “hoành tráng” theo kiểu phô trương (và tất nhiên kèm theo lãng phí).

 

 Ở Đồng Xuân, theo báo cáo của Bí thư Huyện ủy Phạm Ngọc Liên, tại các xã vùng đồng bào dân tộc ít người, việc cưới đã có tiến bộ hơn với thủ tục gọn nhẹ. Tuy vậy, ông thừa nhận, nhiều đôi nam nữ tổ chức đám cưới mà vẫn chưa đăng ký kết hôn và còn xảy ra tình trạng tảo hôn.

 

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn  Ngọc Quang báo động: Đã xuất hiện việc bà con đồng bào dân tộc ít người ở huyện miền núi Sông Hinh tổ chức đám cưới “y chang” đồng bào Kinh, nghĩa là cũng thuê dựng rạp với đủ các dịch vụ đi kèm. Khi làm lễ, chàng rể cũng diện vest, comple, cô dâu cũng lượt là váy áo trông không khác gì một đám cưới ở TP Tuy Hòa. Theo ông, rõ ràng đây là một “sự bắt chước vô tình làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc!”

 

CẦN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

 

Nguyên nhân tồn tại những lãng phí, phô trương trong tổ chức việc cưới, việc tang thì nhiều. Nhưng cụ thể nhất là do cho đến nay, các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm, các đoàn thể chưa làm tốt việc tuyên truyền, chưa ban hành và hướng dẫn thực hiện quyết liệt các quy định về tổ chức cưới, tang theo nếp sống văn minh cho người dân. Các cơ quan thông tin đại chúng chưa mạnh dạn phê phán, nêu rõ “địa chỉ” các đám cưới, đám tang diễn ra rình rang theo kiểu “khoe mẽ” và gây bất bình, bức xúc trong công luận. Bên cạnh đó, lâu nay ở các địa phương, cơ sở đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, Ban chỉ đạo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nhưng hoạt động của các ban chỉ đạo này có nơi còn rất yếu, rất mờ nhạt. Có cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu đi đầu trong thực hiện nếp sống văn minh khi tổ chức cưới xin, tang ma cho con cái, người thân trong gia đình. Vì vậy, quần chúng nhân dân không “tâm phục khẩu phục”. Hiện nay, các thôn, buôn, khu phố trong tỉnh đã có hương ước, quy ước. Trong đó, có nêu vấn đề thực hiện cưới, tang ở khu dân cư sao cho văn minh nhưng lại thiếu các điều khoản thưởng phạt, chế tài mang tính khả thi cao để áp dụng trong thực tế. Vì vậy, trong khi việc tang thường được tổ chức gọn gàng và đảm bảo vệ sinh môi trường hơn, thì nhiều tiệc cưới lại diễn ra hơi bị… quá đà, gây lãng phí thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần  hàng xóm, láng giềng (vì có nơi ăn uống, ca hát ầm ĩ kéo dài). Một điều đáng chú ý là có hiện tượng một số đám tang tổ chức theo kiểu “tân cổ giao duyên”, nghĩa là tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” hòa quyện trong tiếng tụng kinh, gõ mõ của các thầy cúng nên người nghe thật… không biết nói sao cho xiết!

 

Cùng với tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh, thiết nghĩ, ngành Văn hóa – Thể thao – Du lịch Phú Yên nên sớm ban hành các hướng dẫn thật cụ thể, thiết thực về thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang để toàn dân làm theo. Chính quyền cơ sở tích cực vận động, tạo điều kiện để việc đăng ký kết hôn, khai tử của người dân diễn ra thuận lợi nhất. Cần bổ sung vào hương ước, quy ước xây dựng thôn văn hóa, làng văn hóa các quy định bắt buộc phải tổ chức việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh, hộ nào không thực hiện sẽ không được công nhận gia đình văn hóa…

 

Các quy định, thủ tục về việc cưới, việc tang theo truyền thống của các dân tộc (cả mặt tích cực lẫn tiêu cực) đã có từ hàng trăm năm nay. Vì vậy, nên chăng, ngành Văn hóa – Thể thao – Du lịch Phú Yên cần chủ động tổ chức hoặc phối hợp thực hiện các hội thảo bàn về các nội dung liên quan đến hai việc này theo tinh thần “gạn đục khơi trong”. Từ đó, đề xuất những quy định, giải pháp, cách làm phù hợp để trong thời gian tới, việc tổ chức tang, cưới của người dân đảm bảo trang trọng và phù hợp với thời kỳ quê hương, đất nước hội nhập…

 

BÔNG LAU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek