Không có nguồn thu nhập ổn định, ốm đau bệnh tật không được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả... là những rủi ro, thiệt thòi của người lao động tự do khi về già. Hiểu được điều này, nhiều người dân xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) trích một phần thu nhập hàng tháng để mua bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cho các thành viên trong gia đình, cũng như vận động người khác tham gia.
Khi người dân tự nguyện mua BHXH
Ngày 1/10/2020 là ngày đáng nhớ đối với bà Trần Thị Ất ở thôn Xuân Trường, xã Sơn Thành Tây, vì đây là ngày bà Ất chính thức nhận lương hưu hàng tháng và được cấp thẻ BHYT miễn phí trọn đời nhờ việc tham gia BHXH tự nguyện. Trước đó, bà Ất là công nhân nông trường cà phê Sơn Thành, tham gia BHXH được 12 năm 6 tháng. Sau khi nghỉ việc, bà Ất mong muốn được thanh toán chế độ BHXH một lần. Tuy nhiên, khi được cán bộ truyền thông của BHXH huyện Tây Hòa phân tích tính ưu việt từ chính sách BHXH tự nguyện, như: với trường hợp của bà, đã có một thời gian đóng BHXH khá dài, bà có thể tham gia BHXH tự nguyện thêm 7 năm 4 tháng nữa cho đủ 20 năm và đến tuổi nghỉ hưu thì sẽ được hưởng lương hưu và được cấp thẻ BHYT hưu trí miễn phí với quyền lợi khám, chữa bệnh được chi trả 95%…, bà đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện.
Bà Ất chia sẻ: “Lúc đó nếu rút một lần, tôi được 30 triệu đồng, còn đóng thêm hơn 70 triệu đồng nữa thì được nhận lương hưu. Thấy lợi ích khi có lương hưu lúc tuổi già, tôi quyết định bán nông sản, heo, dê… được hơn 77 triệu đồng đóng cho đủ năm. Giờ đây, cuộc sống tôi an nhàn, đến tháng nhận lương hưu, trang trải cuộc sống”.
Cũng như bà Ất, bà Nguyễn Thị Hiệp ở cùng thôn năm nay 60 tuổi, mỗi tháng bà nhận lương hưu được 3,7 triệu đồng. Ở nông thôn, nhà trồng rau, nuôi gà, nên chi tiêu sinh hoạt không bao nhiêu. Số tiền nhận hàng tháng, bà để chi việc ơn nghĩa, tích góp một phần cho con cháu. Với bà Hiệp, lương hưu còn là niềm vui của người già, giúp cuộc sống an yên và không phụ thuộc.
Hiểu được giá trị của việc tham gia BHXH tự nguyện, gia đình bà Hiệp có 3 thành viên, bà trích phần lương hưu của mình để tham gia BHXH tự nguyện cho các thành viên. “Tôi đang đóng BHXH tự nguyện cho chồng và con trai. Đồng thời khuyên đứa con gái đóng BHXH tự nguyện cho con rể được 1 năm rồi. Tôi nghĩ tham gia BHXH sau này về già có thu nhập sẽ ổn định hơn”, bà Hiệp nói.
Hiện ở xã Sơn Thành Tây đã có hàng trăm người được hưởng lương hưu từ chính sách BHXH tự nguyện và họ đã cảm nhận được lợi ích thiết thực của chính sách nhân văn này.
Đẩy mạnh tuyên truyền vận động
Theo bà Lương Thị Hồng Na, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây, bình quân mỗi tháng, xã Sơn Thành Tây có gần 400 người hưởng chính sách lương hưu với số tiền gần 1,4 tỉ đồng. Nhờ vậy, cuộc sống về già của họ không phụ thuộc nhiều vào con cháu.
Chị Vũ Thị Hoàng Yến, nhân viên Bưu điện Văn hóa xã Sơn Thành Tây kiêm nhân viên đại lý thu BHXH tự nguyện và BHYT. Gắn bó với công tác này gần hai năm, từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, chị Yến gặp không ít khó khăn trong công tác vận động người dân tham gia BHXH. Thế nhưng, bằng kiến thức cùng kỹ năng được trang bị, chị nỗ lực vận động bà con trong xã tham gia. “Ở đây có nhiều người nhận lương hưu sau một thời gian đóng BHXH tự nguyện, người khác nhìn vào cũng tự nguyện tham gia. Nhiều người nhận lương rồi trích một phần để tham gia BHXH tự nguyện cho chồng, cho con em mình”, chị Yến cho biết.
Kết quả từ đại lý thu như chị Yến và các đại lý tương tự đã cho thấy tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp tới các đối tượng nông dân, người lao động khu vực phi chính thức về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, những rủi ro khi không tham gia. Từ đó giúp họ thay đổi nhận thức, chủ động tham gia nhằm đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống...
Hiện nay, bình quân mỗi tháng, xã Sơn Thành Tây có gần 400 người hưởng chính sách lương hưu với số tiền gần 1,4 tỉ đồng. Ở đây có nhiều người nhận lương hưu nên có cuộc sống an nhàn, người khác nhìn vào họ đã tự nguyện tham gia BHXH. Nhiều người nhận lương rồi trích một phần để tham gia BHXH tự nguyện cho chồng, cho con em mình. |
VĂN TÀI