Chị là Trần Thị Bích Liên, lấy chồng người dân tộc Ba Na, người dân xã Sơn Phước (Sơn Hòa) vẫn thường gọi chị là Mí Miên. Người phụ nữ này luôn chịu thương chịu khó để tạo dựng tương lai tươi sáng cho con cái và giúp chồng thành đạt.
Mí Miên với công việc nhà - Ảnh: T.THỦY |
Chị Nguyễn Thị Bảy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Phước giới thiệu về Mí Miên: “Chị ấy đặc biệt lắm, làm gương cho phụ nữ cả xã này đó. Tần tảo quanh năm lo việc đồng áng và chăm sóc gia đình, chị kiên trì vượt khó và nay đã có cuộc sống khá giả, các con học hành chu đáo, ai cũng khen”.
Nhà Mí Miên có 6 người con đều được đi học đến nơi đến chốn. Con gái đầu Lê Thị Xuân Miên đang theo học Đại học Đà Lạt, chuẩn bị ra trường, những em còn lại học các ngành khác ở TP Hồ Chí Minh, Nha Trang và các trường trung học phổ thông tại tỉnh. Mí bảo: “Đời mình khó khổ vì nghề nông, nên phải cho con cái chữ, cái nghề để chúng có tương lai hơn. Cũng bởi sinh nhiều con nên mình phải hy sinh nhiều cho chúng”.
Không chỉ quan tâm đến tương lai của các con, Mí Miên luôn là điểm tựa vững chắc để chồng chị yên tâm công tác. Anh là Lê Xuân Bình, từng làm cán bộ mặt trận xã, huyện và nay là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Hòa. May mắn có “hậu phương vững chắc” anh yên tâm công tác tốt, được khen thưởng hàng năm.
Nhà trồng 4 ha mía, 2 ha hoa màu, nuôi nhiều bò. Phần lớn công việc này một mình Mí Miên đảm trách. Chị cho biết: “Cày bằng tay, cày bằng bò, làm cỏ… tôi tự mình làm hết, vì mướn người khác làm phải trả công, tốn nhiều chi phí. Trước kia chưa trồng mía, tôi đầu tư trồng sắn và nuôi heo, cũng một mình tự xoay xở riết rồi quen”.
Không nhiều người biết vợ chồng chị lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, khi Mí Miên mới 18 tuổi. Khoảng thời gian từ năm 1989 đến nay gia đình Mí Miên làm ăn được. Năm 1992, cất nhà mới, con cái học hành ổn định, mí thấy lòng mình nhẹ nhõm. Chị khoe: “Chỉ phần thu hoạch mía, mỗi năm cũng được 50 triệu đồng. Kinh tế ổn định, giờ tôi động viên các con gắng học thành đạt”.q
THU THỦY