Khi đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, lúc nông nhàn, nhiều lao động nữ ở nông thôn Phú Yên bỏ quê đi làm thuê làm mướn khắp nơi, dễ dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Để hạn chế tình trạng này, cần đào tạo nghề, tạo việc làm phù hợp cho phụ nữ nông thôn cải thiện thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống.
Làng nghề đan đát ở Vinh Ba (Hòa Đồng) thu hút nhiều phụ nữ địa phương tham gia - Ảnh: N.DUNG |
RỜI QUÊ LÚC NÔNG NHÀN
Mỗi khi vụ mùa kết thúc, chị Nguyễn Thị Châu, 37 tuổi, ở xã Hòa Bình 2 (Tây Hòa) lại vào TP Hồ Chí Minh tìm việc làm. Thời gian đầu, chị đi rửa bát cho một quán cơm, trừ mọi chi phí, tiết kiệm lắm chị Châu cũng chỉ để dành được 200.000 đồng/tháng. Sau nhờ người quen giới thiệu, chị vào làm ở bộ phận phục vụ buồng trong một khách sạn, mỗi tháng gửi về 800.000 đồng để nuôi hai con. Tình cờ gặp chị Châu trong một lần về quê để chuẩn bị cho con tựu trường, chị bảo: “Vì mình không có chữ nghĩa, nghề nghiệp nên kiếm ra đồng tiền trong thời buổi bây giờ cực lắm. Nhưng nếu ba mẹ con chỉ dựa vào bốn sào ruộng khoán thì làm sao đủ sống”.
Không lặn lội đi làm thuê ở xứ người như chị Châu, chị Lê Thị Trúc, 29 tuổi, ở xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) kiếm được chân bán hàng vải ở chợ Tuy Hòa. Làm việc từ sáng đến tối, chị nhận được 700.000 đồng/tháng. Số tiền kiếm được không là bao so với giá cả ngày một leo thang như hiện nay, nhưng chị Trúc bảo: “Còn phải lo học phí cho em trai học ở Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa nên mình phải cố gắng, dù ít tiền vẫn còn hơn là không có việc làm”. Hoàn cảnh gia đình Trúc thật đáng thương, ba mẹ mất sớm, chị em Trúc mồ côi từ năm lên 13, 14 tuổi. Cuộc sống dẫu trăm ngàn khó nhọc, nhưng chị vẫn quyết tâm nuôi em trai ăn học nên người. Đến vụ mùa chị mới về quê, thời gian còn lại, chị ở thành phố tìm việc làm thêm, khi thì đi rửa bát thuê, làm công nhân bóc vỏ hạt điều, bán hàng… thu nhập không ổn định khiến Trúc phải “nhảy” việc liên tục.
ĐÀO TẠO NGHỀ GẮN VỚI NHU CẦU THỰC TẾ
Hiện nay, toàn tỉnh có 129.959 hội viên phụ nữ, phần lớn chị em đều nằm trong độ tuổi lao động, nhất là ở khu vực nông thôn. Nhu cầu tìm việc làm của chị em trong lúc nông nhàn rất lớn. Thiếu việc làm, họ đổ về thành phố. Tuy nhiên, do đa số chị em có trình độ học vấn thấp, nên rất khó tìm việc...
Nhiều năm qua, các chương trình, dự án giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ của tỉnh như cho vay vốn chăn nuôi heo, bò, tôm hùm… thông qua kênh Hội Phụ nữ, Hội Nông dân cũng chỉ giải quyết một phần khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của chị em. Những làng nghề truyền thống như đan đát ở Vinh Ba (Hòa Đồng, Tây Hòa), làng gốm ở Hòa Vinh (Đông Hòa), bó chổi đót ở Hòa Thắng (Phú Hòa), bánh tráng Hòa Đa (An Mỹ, Tuy An)… thu hút khá đông phụ nữ địa phương. Nhưng những làng nghề như vậy ở Phú Yên lại không nhiều. Thời gian qua, một số trung tâm dạy nghề mở các lớp may, thêu, mây tre đan đát cho chị em. Song qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhiều chị đã từng được đào tạo các nghề thủ công nói trên nhưng không phát huy được tay nghề đã học. Một phần do không có nguyên liệu, một phần sản phẩm không tìm được nơi tiêu thụ, trong khi tốn nhiều ngày công mà thu nhập lại thấp, nên một số chị em đành bỏ nghề.
Để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nữ ở nông thôn rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành. Nghề đào tạo phải phù hợp với địa phương và nhu cầu thực tế của xã hội. Sản phẩm làm ra phải mang tính phổ biến, dễ tiêu thụ. Hơn nữa, địa phương và các ngành có liên quan cần phối hợp tổ chức sản xuất cũng như tìm được đầu ra cho sản phẩm, mới góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ nông thôn.
NGỌC DUNG