Nhà máy thuỷ điện Sông Ba Hạ có công suất 220 MW đang được xây dựng tại huyện miền núi Sơn Hoà, có hồ chứa nước rộng 5.303 ha với mực nước dâng bình thường đến cao trình 105 m sẽ làm ngập 11 thôn, buôn với 3.201,9 ha đất thuộc 6 xã, thị trấn của 3 huyện Sơn Hoà và Sông Hinh (Phú Yên) và Krông Pa (Gia Lai). Trong khu vực xây dựng công trình có 521 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phải di chuyển đến nơi ở mới, trong đó phía Phú Yên có 115 hộ ở huyện Sơn Hoà và 120 hộ ở huyện Sông Hinh. Ngoài ra, còn có gần 2.290 hộ dân bị mất 3.247,1 ha đất sản xuất do thu hồi để xây dựng công trình thuỷ điện lớn này. Số tiền phải đền bù cho giải phóng mặt bằng của dự án thuỷ điện Sông Ba Hạ lên gần 100 tỷ đồng. Còn vốn đầu tư cho các dự án tái định cư khoảng 117,6 tỷ đồng. Ngoài ra, các hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất còn được hỗ trợ lương thực, chi phí di chuyển nhà ở, mồ mả.... với kinh phí 32 tỷ đồng.
Người dân nhận đền bù tự xây dựng nhà ở tại khu tái định cư Suối Trai (Sơn Hòa) - Ảnh: N.T
Để thực hiện công tác tái định cư, chủ đầu tư là BQL dự án Thuỷ điện 3 đã phối hợp với chính quyền địa phương quy hoạch 6 khu tái định cư. Đến trước thời điểm công trình thuỷ điện Sông Ba Hạ chặn dòng (tháng 1- 2006) đã có 2 trong số 3 khu tái định cư thuộc địa phận Phú Yên xây dựng xong các công trình hạ tầng và tiếp nhận dân di dời. Khu tái định cư Suối Trai (Sơn Hoà) được quy hoạch tiếp nhận 79 hộ dân, nên các công trình hạ tầng xây dựng có quy mô lớn hơn nhiều so với khu tái định cư khóm 6 (Sông Hinh, chỉ có 19 hộ dân ở buôn Suối Mây, hiện đã ổn định cuộc sống). Tại đây, BQL Dự án đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng tuyến đường từ QL 25 vào trung tâm xã Suối Trai dài 12 km, mặt thâm nhập nhựa, hệ thống lưới điện, trường THCS 2 tầng với 10 phòng học, trường mẫu giáo, nhà văn hoá, lưới điện, nâng cấp trạm y tế xã, trụ sở UBND xã và giếng nước (4 hộ/giếng). Có 18 nhà do BQL Dự án đầu tư xây dựng đã bàn giao, những hộ còn lại nhận tiền tự làm. Một cán bộ BQL Dự án cho biết, ở Suối Trai có khá nhiều hộ nhận đền bù trên 500 triệu đồng nên mới xây nhà khang trang đến thế. Còn nhà của gia đình Mí Ngát do BQL Dự án xây dựng theo dạng nhà sàn truyền thống của dân tộc Ê đê nhưng kiên cố hơn nhiều bởi trụ đúc bê tông, tường gạch. Mí Ngát đã dọn về ngôi nhà sàn rộng 54 m2 này hơn tháng nay, thật thà bảo: “Nhà rộng, ở mát lắm!”.
Về phía tỉnh Gia Lai, công trình chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân khi hồ thuỷ điện bắt đầu tích nước vào cuối năm 2007, song hiện tại, việc xây dựng 3 khu tái định cư cũng được tiến hành khẩn trương. Ở các khu tái định cư đó đang triển khai thi công các công trình hạ tầng và tiến hành phân lô nhà ở chuẩn bị tiếp nhận dân tái định cư vào tháng 7 tới.
Cùng với những nỗ lực ổn định cuộc sống cho người dân tái định cư, BQL Dự án Thuỷ điện 3 còn tích cực phối hợp với chính quyền giải quyết đất sản xuất để người dân phục hồi sản xuất, bảo đảm cuộc sống lâu dài. Theo phương án giải quyết đất sản xuất có sự thống nhất của địa phương, bên cạnh bồi thường bằng tiền đối với những hộ có nhiều đất, BQL Dự án còn khai hoang để đền bù bằng đất cho dân, bảo đảm mỗi khẩu có đất sản xuất ít nhất 2.720 m2 (đối với tỉnh Gia Lai) và 2.960 m2 (đối với tỉnh Phú Yên) với tổng diện tích 482,8 ha. Mặc dù, đất sản xuất của nhân dân thu hồi hầu hết là đất màu, chỉ có 0,15 ha lúa 2 vụ, nhưng để bảo đảm bà con tái định cư, định canh có cuộc sống ổn định, chủ đầu tư đã xây dựng nhiều công trình thuỷ lợi và khai hoang đồng ruộng trả lại đất sản xuất cho dân bằng đất trồng lúa 2 vụ. Trên địa bàn Phú Yên, BQL Dự án đã triển khai xây dựng đồng ruộng 80 ha tại buôn Chao (Sông Hinh), không những đủ cấp cho dân tái định cư các xã Ea Bá, Ea Lâm theo tiêu chuẩn 600 m2/ khẩu mà còn thừa đất giao lại cho địa phương để phân bổ cho người dân trong vùng. Tại khu tái định cư Suối Trai, quỹ đất từ các mỏ đất, khu phụ trợ sẽ được cải tạo thành đồng ruộng khoảng 100 ha và xây dựng trạm bơm điện buôn Lé cung cấp nước tưới cho hơn 35 ha ruộng lúa 2 vụ xã