Thứ Hai, 30/09/2024 06:29 SA
TP Tuy Hòa:
Vì sao tiểu thương không chịu bốc thăm vào chợ mới?
Thứ Bảy, 08/04/2006 14:57 CH

Như PYO đã thông tin: Sở Thương mại – Du lịch đã tiến hành các đợt bốc thăm cho thuê chỗ kinh doanh ở chợ mới TP Tuy Hòa. Tuy nhiên, hầu hết các tiểu thương không chịu bốc thăm. Vì sao?

 

060408-gian-hang.jpg

Các gian hàng ở khu chợ tạm mặt bằng chật hẹp nhưng muốn vào chợ mới thì không đủ tiền đóng thuế mặt bằng - Ảnh: Hoài Trung

 

Trong đợt bốc thăm thuê điểm kinh doanh lần này có 411 hộ tiểu thương thuộc nhiều ngành hàng khác nhau đang buôn bán tại 25 ki-ốt trên đường Trần Hưng Đạo, khu vực chợ tạm và nhà bách hóa trung tâm. Các hộ tiểu thương dự kiến sẽ được bố trí vào hai đơn nguyên Ngô Quyền, Lương Văn Chánh với 466 gian hàng, mỗi gian có diện tích 5m2 và 25 ki-ốt (8m2/ki-ốt) mặt tiền đường Trần Hưng Đạo. Theo bố trí của Sở Thương mại và Du lịch, ngày 5 và 7-4, 155 hộ tiểu thương ngành hàng điện dân dụng, điện tử, sách báo, văn phòng phẩm, kính mắt, đồng hồ, điện máy, vàng bạc, bánh kẹo, rượu – trà tiến hành bốc thăm lấy chỗ tại tầng 1 đơn nguyên Ngô Quyền và Lương Văn Chánh. Thế nhưng hầu hết các tiểu thương đã không chịu đến bốc thăm mặc dù Ban Quản lý chợ trung tâm TP Tuy Hòa nhiều lần thông báo và cả thuyết phục, vận động.

 

TIỂU THƯƠNG: GIÁ THUÊ MẶT BẰNG QUÁ CAO KHÔNG THỂ TRẢ MỘT LẦN

 

Các tiểu thương này nêu lý do là giá thuê mặt bằng quá cao, đồng thời đề nghị được trả tiền thuê mặt bằng theo từng năm thay vì trả một lần hoặc 3 lần trong vòng 2 năm cho 15 năm thuê như Nghị quyết của HĐND tỉnh. Chị Nguyễn Thị Sang, tiểu thương hàng bánh kẹo, cho biết: Giá trị của mỗi sạp hàng bánh kẹo không quá 10 triệu đồng và những người buôn bán tại đây phần lớn không có vốn tích lũy nhiều. Vì thế, việc phải trả vài chục triệu đồng để có chỗ buôn bán là “lực bất tòng tâm”. Còn chị Trương Thị Hạnh, tiểu thương ngành vải nói rằng trước đây, giá thuê mặt bằng của một sạp vải có diện tích 5m2 là 60.000 đồng/tháng thì nay nếu tính theo tháng bà con phải nộp đến 135.000đồng (chưa kể các khoản lệ phí khác). Hiện ngành vải đang đứng trước nhiều thách thức do kinh doanh thua lỗ, số lượng sạp vải đã giảm từ 75 sạp xuống còn 32 sạp. Do vậy, cũng như nhiều ngành hàng khác, các tiểu thương ngành vải không thể huy động một số tiền lớn để thuê mặt bằng kinh doanh ở chợ mới. Hơn nữa, theo chị Hạnh, thời hạn thuê 15 năm là quá dài, bởi với tình hình ế ẩm hiện nay, không chắc nhiều tiểu thương ngành vải sẽ bám trụ với việc kinh doanh lâu năm như vậy.

 

Những hộ kinh doanh ở 25 ki-ốt mặt tiền đường Trần Hưng Đạo cùng có nguyện vọng được đóng tiền thuê mặt bằng theo từng năm. Một chủ ki-ốt nói: “Với định giá hiện nay, một ki-ốt phải bỏ ra đến 156 triệu đồng mới thuê được chỗ là khó thực hiện, bởi phần lớn vốn liếng chúng tôi đã đầu tư vào hàng hóa. Trước đây UBND tỉnh đã có sự điều chỉnh từ chỗ cho đấu giá các ki-ốt sang bốc thăm rất hợp lý vậy thì tại sao không một lần nữa tạo điều kiện cho bà con kinh doanh bảo đảm cuộc sống bằng việc cho tiểu thương được trả tiền thuê mặt bằng chợ theo từng năm?”.

 

Ngoài nguyện vọng, về thời hạn trả tiền thuê mặt bằng, các tiểu thương ngành hàng may mặc sẵn còn kiến nghị được ổn định vị trí kinh doanh tại nhà bách hóa trung tâm sau khi khu vực này được sửa xong. Tiểu thương ngành vải thì đề nghị chủ đầu tư cho mở thêm các cửa sổ các vách tường nằm ở mặt đường Trần Hưng Đạo còn một số tiểu thương ngành điện máy, quần áo may sẵn thì cho rằng diện tích các gian hàng chỉ có 5m2 là quá hẹp vì không có chỗ để trưng bày hàng hóa trong khi đó nếu thuê cùng một lúc hai gian hàng thì không chịu nổi tiền.

 

SẼ XEM XÉT LẠI?

 

Về các kiến nghị của tiểu thương, Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch Nguyễn Thành Tâm cho biết diện tích của các gian hàng và bố trí các ngành hàng trong hai đơn nguyên Ngô Quyền và Lương Văn Chánh đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Tuy nhiên, Sở cũng sẽ nghiên cứu xem xét lại ý kiến củ một vài tiểu thương ở những ngành hàng cụ thể vì số gian hàng dự phòng vẫn còn. Về giá thuê mặt bằng kinh doanh, ông Tâm cho rằng không cao hơn những qui định của nhà nước và phù hợp với thực tế kinh doanh của các hộ tiểu thương. Còn đối với nguyện vọng được trả tiền theo từng năm, Sở  sẽ có báo cáo xin ý kiến của UBND tỉnh vì phương án huy động vốn xây dựng chợ được HĐND tỉnh thông qua và được cụ thể hóa bằng quyết định của UBND tỉnh. Sở Thương mại và Du lịch phải thực hiện nghiêm túc các quyết định của  cấp trên. Mọi sự thay đổi phải được HĐND tỉnh xem xét.

 

Theo nhận định của chúng tôi, nhiều khả năng ba đợt bốc thăm thuê mặt bằng chợ Trung tâm thành phố Tuy Hòa trong những ngày tới cũng sẽ có rất ít người tham gia. Vì vậy UBND tỉnh cần sớm xem xét giải quyết sự việc để tránh tình trạng tiểu thương không chịu vào kinh doanh tại mặt bằng chợ mới trong khi mặt bằng chợ tạm đang rất cần được giải phóng để giao lại cho Sài Gòn Co-op mart xây dựng siêu thị.

 

HOÀI TRUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek