Từ khi dự án hỗ trợ trẻ em lang thang của tỉnh triển khai về các xã, số phận của các em thay đổi hẳn. Nhiều em không còn bôn ba xứ người để kiếm sống nữa mà quay về đoàn tụ với gia đình, được cắp sách đến trường và có công ăn việc làm.
KHÔNG ĐÂU BẰNG Ở NHÀ MÌNH
Sau bao tháng ngày lặn lội, đi cùng làng khắp xóm tuyên truyền, vận động bà con, từng hộ gia đình đưa con em của mình đang mưu sinh bằng nghề bán vé số, đánh giày, tại các thành phố lớn về lại địa phương, chị Trần Thị Nở, Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Tân Tây (huyện Tây Hòa) hồ hởi cho biết: “22 em lang thang của xã hiện đã hồi gia bền vững”. Chị nhấn mạnh hai chữ “bền vững” bởi vì xã thường xuyên đi kiểm tra các em có thật sự trở về không hay lại tìm cách bỏ trốn. Nhưng rất may là các em và gia đình rất đồng tình vơi những phương án áp dụng để có điều kiện ở lại quê nhà sinh sống. Chị Nở bộc bạch: “Lúc đầu khi tiếp nhận dự án, chúng tôi rất lo lắng. Bởi lẽ, trước đó xã cũng đã có những chủ trương, chính sách để giúp dân xoá đói giảm nghèo, triển khai nhiều mô hình sản xuất, cho vay vốn chăn nuôi, xây dựng nhiều câu lạc bộ phụ nữ tiết kiệm…nhưng số hộ nghèo vẫn còn nhiều. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các em bỏ nhà đi vào đô thị kiếm sống.
![]() |
Các trẻ em lang thang được dự án cho sinh hoạt dã ngoại tại Đại Lãnh – Ảnh: K.C |
Những năm trước, xã có khoảng gần 100 em đi lang thang, sau đó bà con vận động đưa về được một số và đến khi dự án điều tra chỉ còn 22 em. Giờ thì đã ổn rồi. Vì tất cả đã về nhà ổn định, điều đó cũng đồng nghĩa với việc địa phương đã xoá được nạn trẻ em lang thang”. Chị Nở khoe cách làm của xã: Khi tiếp nhận dự án của tỉnh, xã bắt tay vào điều tra ngay số trẻ em lang thang thật sự. Sau đó đến từng hộ gia đình vận động để họ hiểu rằng cho con em mình đi như thế rất có hại, dễ sa vào các cạm bẫy và mắc phải những tệ nạn xã hội. Đặc biệt là tuyên truyền cho họ hiểu rằng dự án này chỉ có lợi cho bản thân gia đình thôi. Bên cạnh đó, một phần cũng nhờ cách quản lý của dự án hết sức chặt chẽ. Chị Nở nhớ lại: “Những ngày đầu chúng tôi đi vận động, nhiều gia đình đuổi như đuổi… tà. Có người tuyên bố thẳng thừng: “Chuyện nhà tôi tôi lo, việc gì các cô xía vào”. Thế mà, cứ kiên trì vận động, rỉ tai, “mưa dầm thấm lâu” và có kết quả ngày hôm nay. Nhiều bà con bây giờ mừng ra mặt. Chị Nguyễn Thị Quý ở thôn Phú Khánh cho biết: “Xã yêu cầu gia đình cam kết đưa cháu về, cho cháu học nghề, đưa cháu đi tham quan Đại Lãnh, Long Thuỷ…vui chơi cùng bạn bè, riêng nhà tôi cũng được hỗ trợ một con bò… Cháu nó đã về gần một năm, học nghề may cũng sắp sửa ra đi làm rồi”.
![]() |
Em Ngô Thị Ngọc Hân, thôn Hội Cư (xã Hòa Tân Tây) được dự án hỗ trợ trẻ em lang thang hỗ trợ học nghề may - Ảnh: K.C |
“LANG THANG, CHÁU SỢ LẮM!”
Theo chân anh Minh trên những lối nhỏ quanh co, chúng tôi đến nhà cháu Trần Quốc Phú (10 tuổi) ở thôn Phú Khánh, xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa). Là con út, nhà khó khăn, hằng ngày bố mẹ chỉ đi cắt lúa thuê, nên mới 8 tuổi, Phú đã bỏ học theo bố vào thành phố Hồ Chí Minh để bán vé số dạo kiếm sống. Hai năm sau, Phú 10 tuổi được trở về nhà được hỗ trợ học phí, sách vở để đến trường. Hỏi về những ngày ấy, Phú lắc đầu lia lịa: “Không, cháu sợ lắm”. Còn Huỳnh Tấn Phát (16 tuổi), ở Hoà Quang Bắc cứ tủm tỉm cười vì được trở về nhà sau bao năm lăn lộn kiếm sống tại thành phố Hồ Chí Minh. “Không còn phải sống những ngày lang thang bán vé số từ 5 giờ sáng tới chiều, ngủ được một tí rồi lại đi bán tới 2, 3 giờ sáng mới về tới đại lý. Vừa chợp mắt đã phải dậy đi bán tiếp. Có khi bị giật số, mất số, bị chủ đánh đập, bắt đền. Bây giờ có cho vàng em cũng chẳng đi nữa” -Phát cho biết.
Dự án hỗ trợ trẻ em lang thang hồi gia do cộng đồng châu Âu tài trợ thông qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Dự án được triển khai 10 tỉnh trên cả nước từ năm 2004- 2007. Tại Phú Yên, dự án triển khai ở 6 xã Hoà Quang Bắc, Hoà Định Đông (huyện Phú Hoà), Hoà Tân Tây, Hoà Đồng (huyện Tây Hoà), Hoà Hiệp Trung, Hoà Xuân Tây (huyện Đông Hoà) nhằm giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, đưa về cộng đồng một cách bền vững. Trong giai đoạn từ năm 2004- 2007, dự án tiến hành tư vấn, thực hiện đầy đủ các chính sách đối với trẻ em; hỗ trợ hồi gia đối với trẻ lang thang; dạy nghề, và tạo việc làm cho các em; xây dựng quỹ phát triển xã hội để hỗ trợ về y tế, giáo dục.
Qua hơn một năm triển khai dự án ở 6 xã đã có 107 em hồi gia bền vững.
|
Nhờ sự triển khai đồng bộ, quản lý chặt chẽ của dự án hỗ trợ mà các em lang thang kiếm sống đã được hồi gia một cách bền vững. Anh Võ Văn Binh, điều phối viên dự án, nói: Dự án thành công ngoài mong đợi. Các địa phương chủ động và rất coi trọng vấn đề này. Họ đưa việc vận động trẻ hồi gia vào hương ước, qui ước của thôn, xã. Không triển khai ồ ạt vì như thế sẽ tác động không tốt tới tâm lý, nhận thức của dân, bà con sẽ lầm tưởng mà cho con đi lang thang nhiều hơn. Cái được của dự án là chúng tôi đưa cần câu chứ không cho con cá để từ đó người dân có bước phát triển, chăm lo đời sống kinh tế gia đình hơn. Ngoài ra, dự án rất quan tâm đến hoạt động cộng đồng để nâng cao nhận thức của người dân, chú trọng tuyên truyền, vận động thông qua các buổi tập huấn về kỹ năng truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, hiểm hoạ đối với trẻ em lang thang.
KIM CHI