Thứ Bảy, 05/10/2024 14:33 CH
Vui buồn ở khu tái định cư cồn Ông Chỉ
Thứ Năm, 08/05/2008 07:49 SA

Người dân ở khu tái định cư cồn Ông Chỉ (thị trấn Sông Cầu, huyện Sông Cầu) phấn khởi khi được dời về nơi ở mới, thuận tiện hơn, cơ sở hạ tầng tốt hơn. Nhưng đa số dân cư khu vực này là người lao động nghèo, kiếm đủ tiền trả tiền mua đất ưu đãi không qua đấu giá là điều quá khó với họ...

 

NHIỀU HỘ DÂN GẶP KHÓ KHĂN

 

Cồn Ông Chỉ là một doi cát phía trái hạ lưu sông Tam Giang. Cách đây khoảng 20 năm, khi huyện Sông Cầu giải tỏa khu vực chùa Bà (thuộc thôn Long Hải Nam) để xây dựng chợ, hàng chục hộ dân thuộc diện giải tỏa đã được cấp đất ở trường Đua thuộc thôn Long Hải Bắc. Nhưng những hộ này đã không đến định cư ở đó, mà tự ý sang cồn Ông Chỉ lấn chiếm đất công để làm nhà ở. Một vài gia đình làm nhà  xây, lợp ngói, còn đa số chỉ vách dừng, lợp tôn, cuộc sống dựa vào nghề lưới gõ, bốc vác, đạp xe ba-gác của đàn ông; bắt ốc, làm thuê, buôn bán lặt vặt của phụ nữ.

 

Từ năm 2007, huyện Sông Cầu triển khai xây dựng kè khu B dự án Chống ngập lụt khu dân cư thị trấn Sông Cầu, thì 31 hộ dân ở cồn Ông Chỉ cùng 5 hộ dân ở bờ kè chợ Sông Cầu phải di dời để trả lại đất cho Nhà nước. Khi giải tỏa, các hộ chỉ được đền bù tiền cây cối và vật kiến trúc trên đất, ít thì 3 triệu đồng, nhiều thì được trên 10 triệu đồng. Trong lúc đó, diện tích được Nhà nước cấp ở trường Đua dạo nào không còn do các hộ đã sang tay cho người khác với giá rất rẻ.

 

“Hồi đó đất đâu có giá. Một lô đất 100m2 chỉ đổi ngang 20 bao xi-măng. Tui thì bán được 2 chỉ vàng lo chữa bệnh cho vợ. Nhưng tiền hết, vợ cũng không sống được” - Anh Nguyễn Thanh Quá buồn rầu thổ lộ như vậy. 20 năm trước, vợ anh bị bệnh chết, mình anh vất vả nuôi 7 đứa con bằng đủ nghề làm thuê. Hiện giờ 4 người con của anh đã có gia đình riêng, còn lại 4 cha con sống dựa vào thu nhập từ tủ bánh mì của đứa con gái 25 tuổi. Khi chuyển qua khu tái định cư, cha con anh Quá che tạm một cái chòi đối diện với lô đất bốc thăm được để có chỗ chui ra chui vào. Khi tôi hỏi sao không dựng lều trên đất của mình, mấy người hàng xóm nhao nhao, át cả tiếng của anh: “Vì không có tiền đóng nên không dám. Thôi cứ ở đỡ, chừng nào bị đuổi hẵng hay”. Với cha con anh Quá, số tiền 28 triệu đồng phải nộp để có quyền sở hữu lô đất 80m2 quả là quá lớn, ngoài sức tưởng tượng. Ngay cả hộ nghèo có mã số như gia đình anh Võ Văn Trung, dù được Nhà nước giảm 50% tiền cấp quyền sử dụng đất, mà vẫn gặp khó khăn. Vợ chồng anh đã thuê thợ xây móng, dựng cột, bắc kèo, nhưng rồi không còn tiền nên đành ngưng thi công ngôi nhà hơn nửa tháng nay.

 

DÂN MONG ĐƯỢC NHÀ NƯỚC TẠO ĐIỀU KIỆN THÊM

 

Chủ trương dành một quỹ đất để giao quyền sử dụng thu tiền không qua đấu giá cho 38 hộ tái định cư cồn Ông Chỉ thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với những hộ nằm trong vùng ngập lụt, có nguy cơ sạt lở, triều cường. Ngay từ giữa năm 2007, khi đưa vào thi công hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía tây thôn Dân Phước, huyện Sông Cầu đã đề nghị đơn vị thi công tập trung xây dựng khu tái định cư trước. Sau đó tổ chức cho các hộ bốc thăm, giá đất 350.000 đồng/m2 và quy định phải nộp 50% khi xây dựng nhà ở, 50% còn lại nộp dứt điểm vào tháng 9/2008. Trong 38 hộ có 5 hộ nghèo có mã số được giảm 50% tiền mua đất, 50% còn lại thì được nộp một nửa vào năm 2007, nửa kia nộp chậm trong vòng 10 năm. Trước Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008, đã có 4 hộ xây dựng nhà ở. Đến giữa tháng 4 vừa qua có thêm 6 hộ làm nhà, 3 hộ che lều tạm bợ để ở. Nguyện vọng của bà con là sớm được nhận tiền hỗ trợ di dời từ dự án Di dãn dân các khu vực triều cường sạt lở của tỉnh (2 triệu đồng) để phụ thêm vào trả tiền mua đất, hoặc làm nhà. Nhưng theo ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu, thì phải chờ các hộ ổn định tái định cư, tỉnh ra nghiệm thu xong rồi mới chuyển kinh phí về cho thị trấn phát cho bà con. Còn khoản vay làm 3 công trình vệ sinh từ Chương trình Nước sạch - vệ sinh môi trường (4 triệu đồng) thì các hộ đều đã làm thủ tục với cán bộ phụ nữ thôn, hiện đang chờ Ngân hàng chính sách xã hội huyện giải ngân.

 

Một thuận lợi cho các hộ khi đến khu tái định cư là ngoài hệ thống điện lưới được xây dựng hoàn chỉnh, mạng lưới cấp nước cũng đang được thi công với sự tài trợ của dự án UN-HABITAT. Ông Lê Văn Thế, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu, cho biết: “Dự án UN-HABITAT do Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên làm chủ đầu tư có kế hoạch bắc nước máy miễn phí cho khoảng 550 hộ nghèo ở 2 thôn Dân Phước và Vạn Phước. Mới đây, UBND thị trấn đã kiến nghị chủ đầu tư đồng ý phát triển thêm hệ thống cấp nước một số khu lân cận như thôn Long Phước Đông khoảng 50 hộ, thôn Long Bình khoảng 470 hộ và 38 hộ dân ở khu tái định cư cồn Ông Chỉ”.

 

Khi tái định cư ở khu dân cư phía tây Dân Phước, bên cạnh một số hộ đã ổn định cuộc sống, vẫn còn nhiều gia đình chồng chất khó khăn vì sắp đến hạn nộp 50% tiền đất còn lại mà nhà thì vẫn chưa làm. Họ đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành để có thể an cư rồi lạc nghiệp tại khu tái định cư này.

 

THANH  HIỀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek