UBND tỉnh vừa ban hành quy định về nội dung và mức chi thực hiện mô hình thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội tỉnh giai đoạn 2018-2020.
Trong đó, đối với dự án Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế, chi hỗ trợ mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đối tượng hỗ trợ dạy nghề là trẻ em từ 13 đến dưới 16 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt theo Nghị định 56/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.
Mức hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và chi phí đi lại theo quy định tại Quyết định 46/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Cụ thể, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mức hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/em/khóa học; trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn mức hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/em/khóa học; trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em lang thang đã hồi gia, trẻ em có nguy cơ lang thang, trẻ em là đồng bào dân tộc thiểu số mức hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/em/khóa học. Hỗ trợ tiền ăn và đi lại ở mức 2 triệu đồng/em/khóa học.
Quy định này cũng quy định rõ việc hỗ trợ vốn sản xuất cho gia đình có trẻ lang thang, trẻ lao động xa nhà, hồi gia, trẻ em ra khỏi lao động nặng nhọc độc hại nguy hiểm, trẻ bị ảnh hưởng hoặc nhiễm HIV/AIDS, trẻ em làm trái pháp luật từ trường giáo dưỡng về, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật. Theo đó, mức hỗ trợ hộ nghèo không quá 12 triệu đồng/hộ; cận nghèo không quá 10 triệu đồng/hộ; hộ mới thoát nghèo không quá 8 triệu đồng/hộ. Mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 1 lần, tùy điều kiện sản xuất mỗi hộ có thể nhận nhiều nội dung hỗ trợ nhưng không vượt quá số tiền tối đa của từng đối tượng nêu trên.
(PYP)