Thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay, mạng lưới cơ sở dạy nghề đã được phủ kín ở các địa phương. Hàng năm, các cơ sở đào tạo được một bộ phận lao động nông thôn có kiến thức, kỹ năng, chuyên môn kỹ thuật, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Trong đó, Trường trung cấp Nghề Thanh niên dân tộc (TCNTNDT) Phú Yên (thuộc Sở LĐ-TB-XH) đã mở nhiều lớp đào tạo nghề, giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số có cơ hội thoát nghèo.
Học nghề để thoát nghèo
Ông Lê Văn Phổ, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH) cho biết, việc thành lập Trường TCNTNDT Phú Yên là một yêu cầu cấp thiết để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi, góp phần phát triển sự nghiệp GD-ĐT, dạy nghề của huyện và khu vực. Từ khi thành lập (năm 2013) đến nay, Trường TCNTNDT Phú Yên không ngừng củng cố và phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị, ổn định công tác đào tạo, đem lại hiệu quả trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân lao động trên địa bàn huyện Sơn Hòa.
Bà Nguyễn Thị Thu Tâm, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường TCNTNDT Phú Yên, cho biết: Tháng 9/2017, Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp huyện Sơn Hòa sáp nhập vào trường. Hiện nay, Trường TCNTNDT tập trung đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp như điện dân dụng, may thời trang và sửa chữa máy nông nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, trường đã mở được 5 lớp sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên với tổng số 156 học viên, trong đó có 130 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua các lớp học, bà con biết tự lắp đặt, sửa chữa điện trong nhà, biết sửa chữa máy nông nghiệp trong sản xuất, không chỉ tự phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt của gia đình mà còn phục vụ cho bà con trong vùng.
Chị Trần Thị Mai Oanh ở xã Sơn Nguyên, tham gia lớp kỹ thuật chế biến món ăn về nhà mở tiệm làm bánh kem. Người dân địa phương có nhu cầu đặt bánh sinh nhật, bánh cưới khá nhiều nên chị Oanh có thu nhập trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng. Chị Quỳnh Mân ở xã Sơn Phước, sau khi học may về đã tự mở tiệm may tại nhà để phục vụ người dân địa phương; những dịp lễ, Tết, chị có rất đông khách hàng.
Chị Quỳnh Mân nói: “Trước đây, công việc của tôi là cắt cỏ thuê và làm việc nhà. Năm 2017, xã thông báo Trường TCNTNDT về tận nơi mở lớp đào tạo nghề cắt may cho phụ nữ, đi học được hỗ trợ tiền nên tôi đăng ký. Qua 3 tháng học nghề, tôi có thể tự cắt may áo quần. Gom góp tiền tiết kiệm, anh em giúp tôi mua lại cái máy may cũ, tự mở tiệm may vá quần áo, nhờ vậy tôi có thêm thu nhập”.
Trong 3 tháng học nghề nông nghiệp, Ma Nam ở xã Sơn Nguyên được các giáo viên truyền đạt kiến thức về trồng mía, gồm các đặc điểm sinh vật học cơ bản của cây mía, các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây mía, cách vệ sinh đồng ruộng, làm đất để trồng mía, các biện pháp chăm sóc, quản lý phòng trừ dịch hại trên cây mía. Sau khi học xong, ông áp dụng những kiến thức đã học vào sản xuất trên diện tích đất của gia đình. Kết quả, so với trước kia, mía cho năng suất cao hơn, ít bệnh hơn…
Đảm bảo khoảng 75% học viên có việc làm
Ông Hoàng Văn Hải, Trưởng Phòng Đào tạo Trường TCNTNDT, cho biết: Để tạo điều kiện cho học viên theo học gần nhà, trường đã phối hợp với chính quyền xã, thôn khảo sát nhu cầu học nghề và dự báo việc làm sau học để mở lớp phù hợp; sau đó tổ chức lớp học ngay tại các thôn, buôn, kết hợp thực hành trên diện tích đất trồng trọt và mô hình chăn nuôi của học viên. Song song với đào tạo nghề nông nghiệp, nhà trường còn phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nghề theo yêu cầu, gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo để đảm bảo khoảng 75% học viên có việc làm sau đào tạo.
Chị Ngô Thị Lê Hồng ở xã Sơn Nguyên là học viên học lớp trồng nấm năm 2017. Sau khi học nghề, chị Hồng đã dùng kiến thức, kỹ năng tiếp thu được để ứng dụng vào nuôi trồng nấm, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Theo chị Hồng, hiện nay nấm có giá 100.000 đồng/kg, mỗi đợt chị thu khoảng 10kg, thu liên tiếp 3-4 đợt mới cấy lại.
Còn Y Phin ở xã Sơn Phước tham gia học lớp điện dân dụng ở Trường TCNTNDT Phú Yên từ tháng 6-9/2016. Sau khi học nghề, anh đã tự lắp đặt trang thiết bị điện cho gia đình. Ngoài ra, quanh làng, bà con có việc cần nhờ anh sửa chữa, lắp đặt điện, anh đều nhiệt tình phụ giúp. Bà con xem anh là người thợ điện gần gũi, nhiệt tình.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Tâm, huyện Sơn Hòa rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là thanh niên, nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua lớp học, học viên được trang bị kiến thức, kỹ năng, giúp bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế. Thời gian tới, trường sẽ chú trọng tuyên truyền, tuyển sinh, ưu tiên là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo…
HOÀNG LÊ - NGỌC MINH