Ngày nay, nhiều phụ nữ chọn sinh con và nuôi con một mình mà không có người đàn ông bên cạnh. Trong số đó, một số người chủ động lựa chọn con đường này; phần còn lại, đa số là vì hoàn cảnh mà chấp nhận. Dù mạnh mẽ hay yếu đuối, dù chủ động hay bị động, họ đều có những nỗi niềm trong cuộc sống không phải ai cũng biết.
Những năm gần đây, với sự phát triển của xã hội, chuyện làm mẹ đơn thân được nhìn nhận “thoáng” hơn.
Chị N.T.P.N (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) từng là sinh viên Trường cao đẳng Mẫu giáo Trung ương 2. Từ nhỏ lớn lên, người trong xóm biết chị là một cô bé da trắng, tóc dài, mắt to, ít nói và chăm làm, siêng học. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, chị làm việc tại một trường mầm non ở TP Nha Trang.
Mấy năm sau, người trong xóm thấy chị về quê, đang mang bầu nhưng không nghe tin tức gì về chuyện cưới hỏi. Sau đó, chị sinh con một mình, cả mấy năm trời, chỉ có hai mẹ con lủi thủi. Khi bé đã cứng cáp, chị N đi làm ở một trường mầm non tại TP Tuy Hòa, còn cháu bé đi học.
Chị N kể, khi dạy học tại Nha Trang, chị yêu một người đàn ông đã có gia đình và có con. Người kia biết tin nhưng không thể bỏ gia đình nên chị N về quê sinh nở, chấm dứt với cha đứa bé và trở thành một người mẹ đơn thân.
Trường hợp khác, chị H (huyện Tây Hòa) tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Phú Yên, lấy chồng sau 2 năm tìm hiểu. Tuy nhiên, khi về cùng nhà, chị H thấy những tính cách khác của chồng mà trước đây chị chưa biết. Không thể nhẫn nhịn chịu đựng thói hư tật xấu của chồng, chị H quyết định ly hôn khi đang mang thai con trai đầu lòng.
Đến nay, khi con trai được 4 tuổi, chị không còn gặp lại chồng cũ. Chồng không thăm hỏi, cũng không chu cấp cho con, một mình chị H phải vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa đi làm việc kiếm tiền nuôi con. “Dù vất vả, nhưng cuộc sống dễ chịu hơn. Bởi sống với chồng, tôi thực sự thấy bí bách, không hạnh phúc”, chị H mạnh mẽ.
Nếu như thời của chị N, dư luận ở vùng quê còn nặng nề, chị và con trai phải sống với không biết bao nhiêu búa rìu dư luận thì nay cũng ở nơi ấy, cô bé xóm trên, mới 18 tuổi, không chồng đã sinh con nhưng không còn bị dư luận “khủng bố”. Hay những chị luống tuổi tìm một đứa con làm chỗ dựa cho tuổi già cũng nhận được sự đồng cảm của xóm làng.
Nhiều người gọi chuyện làm mẹ đơn thân là một xu hướng trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, suy cho cùng đó chỉ là sự lựa chọn mà lý do đa phần đều từ việc không như ý, mang nhiều nỗi niềm của người trong cuộc.
Chị N chia sẻ: “Chỉ khi nào thật sự khao khát có một đứa con và tuổi cũng đã lớn, thì mới nên nghĩ đến con đường làm mẹ đơn thân. Bởi ai cũng nói các mẹ ở “hội đơn thân” là những người mạnh mẽ, nhưng không ai biết những vất vả, khó khăn họ phải đương đầu. Đã có rất nhiều mùa mưa, hai mẹ con tôi trùm một cái áo mưa chạy mười mấy cây số từ Tuy Hòa về nhà, gió trên đường thổi bạt tay lái, nước táp tối tăm mặt mũi, trời đã sẩm tối. Bản thân tôi chưa một lần hối hận vì đã sinh con, nhưng không ít lần hối hận vì đã quá nông cạn và không lường trước được hết những khó khăn của một người mẹ đơn thân. Và cũng không ít lần tôi buột miệng, giá như...”.
Theo ThS Phan Thị Lan, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Phú Yên, ngày càng có nhiều phụ nữ chọn con đường làm mẹ đơn thân và nó phá vỡ mô hình gia đình truyền thống, làm dấy lên những trăn trở, lo lắng về tâm sinh lý của đứa trẻ khi vắng bóng người cha. Bởi thông thường, những bà mẹ đơn thân sẽ cố gắng tìm cách bù đắp sự thiếu vắng của người cha dẫn đến sự phát triển lệch lạc ở đứa trẻ. Làm mẹ đơn thân không hề đơn giản và chưa lúc nào dễ dàng.
Làm mẹ đơn thân không nên trở thành một trào lưu cũng như không ai cổ súy cho điều này. Thế nhưng, nếu như buộc phải lựa chọn nó thì người phụ nữ cũng nên nhìn thấy trước những khó khăn mà mình sẽ phải đối mặt. Đó có thể là khó khăn về kinh tế, khó khăn những lúc đau ốm, hoạn nạn không ai chăm sóc; khó khăn từ sức ép của cha mẹ, họ hàng và mặc cảm từ chính bản thân mình.... Những điều này đều không dễ để vượt qua.
THÁI HÀ