Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức diễn đàn “Kết nối, xây dựng thương hiệu sản phẩm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Tại diễn đàn này có nhiều ý kiến, giải pháp thiết thực để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (PNKN) trong thời gian tới. Phóng viên Báo Phú Yên ghi nhận một số ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại diễn đàn.
PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHAN ĐÌNH PHÙNG: Vai trò của Hội LHPN rất quan trọng
Thời gian qua, phụ nữ tỉnh nhà đã có nhiều hoạt động rất thiết thực trong hỗ trợ PNKN. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần chủ động của Hội LHPN tỉnh trong việc triển khai thực hiện kế hoạch “Hỗ trợ PNKN” của UBND tỉnh cũng như những đóng góp quan trọng của CLB Nữ doanh nhân với nhiều hoạt động kích hoạt cho những ý tưởng đam mê khát vọng khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh nhà.
Theo tôi, để PNKN thành công, vai trò của Hội Phụ nữ rất quan trọng. UBND tỉnh đặt niềm tin, trách nhiệm rất lớn với Hội LHPN. Tôi đề nghị Hội LHPN tỉnh tiếp tục phát huy vai trò chủ động hơn nữa trong việc tập hợp kết nối lực lượng PNKN với CLB Nữ doanh nhân. Để từ đó giúp chị em khởi nghiệp kế thừa những bài học kinh nghiệm của những người đi trước để thành công hơn trong quá trình kinh doanh.
Đồng thời kịp thời làm cầu nối chuyển tải nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của phụ nữ tỉnh nhà đến với các cấp chính quyền, ngành chức năng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, giải quyết những đề xuất, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ trong việc khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh. Đề nghị các cấp, các ngành chức năng cùng đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho PNKN. UBND tỉnh sẽ tiếp thu ý kiến tại diễn đàn để có những chính sách cụ thể, rõ nét hơn cùng với các ngành, các cấp, tạo điều kiện tốt nhất cho phụ nữ tỉnh nhà khởi nghiệp.
CHỦ NHIỆM CLB NỮ DOANH NHÂN PHÚ YÊN NGUYỄN THỊ NGA: Nỗ lực đưa sản phẩm của chị em ra thị trường
Tôi nghĩ muốn khởi nghiệp thành công, thành lập công ty, quảng bá thương hiệu sản phẩm, chúng ta phải có uy tín. Đây là điều rất quan trọng, có uy tín chúng ta sẽ làm được nhiều điều khác.
Đặc biệt, sản phẩm của chị em làm ra phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phải có nhãn hiệu, giá cả được thị trường chấp nhận.
CLB Nữ doanh nhân chúng tôi cũng mong muốn đồng hành, ủng hộ chị em quảng bá thương hiệu trên thị trường, kết nối, liên kết đưa những sản phẩm của chị em làm ra đến với nhà hàng, quán ăn, khách sạn…
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng liên kết, kết nối tất cả doanh nhân trong và ngoài tỉnh, các hội đoàn để đưa những sản phẩm này đến với thị trường trong và ngoài tỉnh; tạo thêm những đầu mối cho chị em tiếp cận dễ dàng hơn.
GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KHUYẾN CÔNG VÀ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI (SỞ CÔNG THƯƠNG) LÊ THANH KHANH: Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Sở Công thương có nhiệm vụ là “bà đỡ” của doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh. Hiện tại, chúng tôi đã và đang tập trung hỗ trợ quảng bá thương hiệu gồm nhiều lĩnh vực.
Đầu tiên là tham gia kết nối cung cầu ở khu vực tỉnh Phú Yên với hai đầu cầu TP Hồ Chí Minh (thường được tổ chức vào cuối tháng 10) và Hà Nội (tổ chức vào tháng 11). Nếu một số sản phẩm của chị em tiếp cận thị trường nhanh thì chúng tôi sẽ hỗ trợ chị em tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh trong thời gian tới.
Hàng năm, chúng tôi cũng tổ chức các lớp tập huấn về thương hiệu, xây dựng website cho các đơn vị, doanh nghiệp. Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Nhưng để các doanh nghiệp, các cơ sở đồng hành với chúng tôi được nhận nguồn hỗ trợ này, trước hết các cơ sở phải đăng ký cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc hộ kinh doanh, tổ hợp tác, từ đó chúng tôi mới có đủ điều kiện hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp.
PHÓ CHỦ TỊCH HỘI LHPN HUYỆN PHÚ HÒA TRẦN THỊ MỸ LUYẾN: Tạo cơ hội để phụ nữ nghèo khởi nghiệp
Phú Hòa là huyện thuần nông, phụ nữ chiếm 1/2 dân số. Trong đó, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ chiếm 42% tổng số hộ nghèo toàn huyện. Hầu hết đời sống của chị em chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi và mua bán nhỏ nên thu nhập còn thấp, không ổn định. Những năm qua, Hội luôn quan tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Thực hiện đề án “Hỗ trợ PNKN” giai đoạn 2017-2025, Hội LHPN phối hợp với Bưu điện huyện Phú Hòa phát động Chương trình hội viên PNKN; tổ chức tập huấn cho 56 cán bộ, hội viên phụ nữ làm đại lý dịch vụ bưu điện huyện.
Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng mía, lúa, rau sạch, nấm rơm, nấm sò cho 472 hội viên phụ nữ; mở lớp học nghề may công nghiệp, trang điểm cho 135 chị.
Qua các lớp tập huấn, dạy nghề, nắm bắt được đối tượng phụ nữ có nhu cầu vay vốn khởi nghiệp, chúng tôi chủ động đề xuất Hội LHPN tỉnh xin hỗ trợ kinh phí “Quỹ hỗ trợ PNKN” năm 2018 cho 10 hộ ở xã Hòa Quang Bắc vay với số tiền 100 triệu đồng để thực hiện dự án “Trồng rau an toàn”. Đồng thời phối hợp với Ngân hàng CSXH tạo điều kiện giúp một số chị em vay vốn để kinh doanh…
Để thực hiện tốt đề án “Hỗ trợ PNKN” giai đoạn 2017-2025, Hội LHPN huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện đề án; hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp, kết nối với các chương trình, dự án... tiếp thêm nguồn lực để chị em vươn lên khởi nghiệp.
PHÓ GIÁM ĐỐC CO.OPMART TUY HÒA NGUYỄN THỊ NGỌC LÀI: Giới thiệu sản phẩm của địa phương đến người tiêu dùng
Chiến lược kinh doanh của hệ thống Co.opMart nói chung và Co.opMart Tuy Hòa nói riêng là ưu tiên chọn lựa phát triển hàng Việt Nam chất lượng cao. Thời gian qua, Co.opMart hướng dẫn nhiều cơ sở sản xuất, các hộ sản xuất hoàn tất các thủ tục pháp lý đưa hàng hóa vào kinh doanh trong siêu thị.
Hiện đã có một số mặt hàng sản xuất tại địa phương đang bày bán trong siêu thị như: rau Bình Ngọc, thịt gia súc, gia cầm, trứng ở các địa phương; trà của Công ty Hồng Đại Việt ở KCN Hòa Hiệp; cà phê Huy Tùng, Hương Hương; rượu tằm của HTX Hòa Phong; khô bò Hà Trung… Chúng tôi mong muốn phối kết hợp với hội, nhóm, đoàn thể để đa dạng hàng hóa địa phương trong siêu thị.
Với những sản phẩm phụ nữ sản xuất theo chương trình Hội Phụ nữ hỗ trợ khởi nghiệp, nếu đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ quy trình sản xuất, nuôi trồng, thu hoạch và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thì Co.opMart sẵn sàng hướng dẫn để các chị làm thủ tục pháp lý theo quy định của Nhà nước. Đơn vị sẽ đưa những sản phẩm địa phương này vào bày bán trong siêu thị để quảng bá, giới thiệu với người tiêu dùng địa phương và khách du lịch khi đến Co.opMart Tuy Hòa, cũng như có thể giới thiệu đến các Co.opMart khác trong hệ thống hiện nay.
CHỊ NGUYỄN THỊ THU THỦY (XÃ XUÂN PHƯƠNG, TX SÔNG CẦU): Mong được tiếp sức, xây dựng thương hiệu sản phẩm
Sau khi nuôi tôm thất bại, vợ chồng tôi chuyển sang trồng rong nho biển. Bước đầu chúng tôi gặp không ít khó khăn về vốn, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ… Sau một thời gian sử dụng, người tiêu dùng quen với sản phẩm rong nho, hiện tại không đủ cung ứng ra thị trường.
Bởi vì rong nho rất tốt cho sức khỏe, sản phẩm hoàn toàn thiên nhiên, lại có công dụng làm mát gan, phòng bệnh tiểu đường, đặc biệt làm đẹp da phụ nữ… Hiện cơ sở chúng tôi có 7-10 nhân công, mỗi tháng thu nhập trên 36 triệu đồng.
Chúng tôi mong thời gian tới được Hội Phụ nữ cùng với các cấp, ngành tạo điều kiện, hỗ trợ thêm nguồn vốn để mở rộng diện tích. Đồng thời hỗ trợ chúng tôi xây dựng, quảng bá thương hiệu rong nho trên thị trường…
NGỌC DUNG (thực hiện)