Tại Phú Yên, già làng được tập hợp thành một tổ chức xã hội gọi là Hội Già làng, trưởng thôn buôn. Cứ hai năm một lần, Hội nghị già làng trưởng thôn buôn được tổ chức với quy mô lớn. Qua 2 kỳ hội nghị, toàn tỉnh đã bầu chọn được 405 già làng và cá nhân có uy tín trong thôn buôn. Họ là những người có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Việc nước việc làng nếu không có vai trò của các già làng thì khó mà thành công.
Ama Liên đang dịch một chương trình phát thanh ra tiếng Ê Đê và Chăm H’Roi - Ảnh: TRÌNH KẾ |
MANG THÔN - GIÚP CẢ LÀNG THOÁT NGHÈO
Thôn Da Dù (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) đã có nhiều thay đổi. Vài năm gần đây, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng tạo sản phẩm hàng hóa ở Da Dù chuyển biến rõ rệt. Trong đó, mía là cây trồng chủ lực, hiện có đến gần 400 ha, chiếm 73% diện tích đất canh tác của thôn. Vụ mía năm nay bà con thu nhập khá. Nhà Mang Bụi trồng 10 ha, lãi gần 90 triệu đồng. Cây mía đã giúp cho 247 hộ đồng bào dân tộc Chăm H’Roi sinh sống nơi đây thoát được nghèo.
Có được cuộc sống như hôm nay, bà con ở thôn Da Dù biết ơn già làng Mang Thôn nhiều lắm. Chính ông đã tìm tòi, học tập cách trồng cây mía. Qua nhiều năm ông bền bỉ vận động, buôn Da Dù đã chuyển sang trồng loại cây có giá trị kinh tế cao. Không chỉ bày cho bà con cách làm ăn, già làng đã qua tuổi 75 này còn mong muốn làm sao để mọi người tiến bộ trong sinh hoạt văn hóa.
Hỏi chuyện năm nay bà con ăn Tết thế nào, già làng Mang Thôn cho biết: Nếu như trước đây, theo phong tục, người dân tộc thiểu số chỉ làm lễ cúng mừng mùa lúa mới, thì nay bà con cũng đón Tết Nguyên đán rất vui vẻ.
AMA LIÊN - PHÁT THANH VIÊN KIÊM BIÊN TẬP VIÊN
Tết này, Đài Truyền thanh xã Cà Lúi (Sơn Hòa) xây dựng nhiều chương trình. Ngoài việc tiếp âm chương trình của Đài Tiếng nói Việt
Nhiều người ở Cà Lúi nói rằng “Ama Liên đọc trên đài nghe rõ lắm, bà con biết được những chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, biết cách phòng chống dịch bệnh cho con trâu, con bò và còn biết chăm sóc sức khỏe cho mình nữa”. AMa Liên như cánh chim rừng không mỏi. Tết này, ông bước sang tuổi 75.
OI NHIN - NGƯỜI TIÊN PHONG GƯƠNG MẪU
Cũng như già làng Mang Thôn, Ama Liên, già làng Oi Nhin ở buôn Chung, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh khẳng định: “Muốn nói cho dân làng nghe theo, mình phải làm trước đã rồi mới nói”. Cách làm của ông là trồng lúa, nuôi bò và trồng các loại cây màu phụ. Hiện nay Oi Nhin có gần 100 con bò, 5 sào lúa nước và vài hecta cây trồng cạn. Không nhớ cụ thể thu nhập của gia đình một năm là bao nhiêu, nhưng Oi Nhin bảo: “Trước thì nghèo lắm, còn bây giờ đã có của ăn của để”. Học theo cách làm của Oi Nhin, buôn Chung có 76 hộ đồng bào dân tộc Ê Đê thì đến nay 2/3 hộ đã thoát nghèo. Là già làng, Tết nào Oi Nhin cũng bận rộn với nhiều công việc chung. Điều ông quan tâm nhất là “vận động bà con ăn Tết cho vui, cho đoàn kết, đừng để tình trạng ăn uống say sưa, đánh lộn xảy ra”.
Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Phú Yên, già làng ngày càng phát huy tính gương mẫu trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Những suy nghĩ, hành động, việc làm của họ đều có ảnh hưởng, tác động đến tâm tư tình cảm của bà con trong cộng đồng. Họ như những cây đại thụ trên đại ngàn.
TRÌNH KẾ