Để xảy ra chặt phá rừng trái phép, cháy rừng nghiêm trọng, Chủ tịch UBND tỉnh phải kiểm điểm trước cấp ủy. Đồng thời báo cáo Thủ tướng, đề xuất hình thức kỷ luật về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với rừng và đất lâm nghiệp. Đó là nội dung Chỉ thị số 08 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành.
Theo đó, các cấp chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm trước UBND cấp trên trực tiếp về tài nguyên rừng trên địa bàn. Kể từ khi triển khai chỉ thị này, nếu còn xảy ra tình trạng lâm tặc khai phá rừng, đốt rừng trái phép trên xã, huyện nào thì chủ tịch UBND xã, huyện đó phải kiểm điểm trước cấp ủy Đảng và bị kỷ luật về trách nhiệm quản lý rừng.
Rất nhiều cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng huy động lực lượng khẩn trương truy quét cá nhân, tổ chức phá rừng thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Lãnh đạo tỉnh phải tổ chức kiểm tra, di chuyển số dân di cư tự do đang cư trú, phá rừng trái phép đến khu đã được quy hoạch; bố trí đất đai, thực hiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước để số dân này có điều kiện làm ăn sinh sống.
Thủ tướng chỉ đạo cần kiểm tra, thu gom và xử lý hết số gỗ rừng bị khai thác trái phép; xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép kinh doanh của các cơ sở mua bán, tiêu thụ gỗ, các loại động vật hoang dã trái phép; lập danh sách những đối tượng chuyên nghiệp thường xuyên khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép lâm sản và động vật rừng ở các địa phương, có biện pháp theo dõi, quản lý và đấu tranh ngăn chặn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 tháng đầu năm, trên cả nước đã xảy 3.660 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 851 vụ phá rừng và khai thác rừng trái phép. Riêng tháng 2 đã xảy ra 1.490 vụ, lực lượng kiểm lâm đã tịch thu 31 ôtô, máy kéo, 14 xe trâu bò kéo, 109 xe máy, 511 m3 gỗ tròn, 740 m3 gỗ xẻ và 777 kg động vật rừng. Số tiền thu nộp ngân sách là 4 tỷ đồng.
Theo VNE