Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (công nghệ 4.0) đã và đang tác động đến đời sống con người, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội; ảnh hưởng trực tiếp đến các phương tiện thông tin truyền thông và tác nghiệp của các nhà báo.
Vào thế kỷ XX, những thiết bị “bất ly thân” để tác nghiệp của nhà báo là cây bút, cuốn sổ và chiếc máy ảnh (loại máy chụp phim âm bản). Còn ngày nay, trong thời đại công nghệ 4.0, các nhà báo sử dụng những thiết bị hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính, máy ảnh kỹ thuật số, máy ghi âm đa chức năng... Cho nên trong thời công nghệ số 4.0, quyển sổ và cây bút có lẽ là vật dụng hiếm hoi còn hiện hữu trong hành trang của nhà báo. Nhưng dù nền kỹ thuật công nghệ có phát triển đến đâu cũng không thể thay đổi được cái tâm của nhà báo. Vì mỗi nhà báo có một sở trường, sở đoản và có “gu” để thể hiện theo cách riêng của mình trong mỗi tin, bài, ảnh.
Với mỗi nhà báo, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, hơn hết là phải luôn tôn trọng sự thật nội dung và công bằng với nhân vật. Nếu thực hiện nghiêm hai vấn đề này, tức là giữ được đạo đức nghề nghiệp và tâm thế của nhà báo được bạn đọc, đồng nhiệp và các cơ quan báo chí ghi nhận, tôn vinh.
Thực tế cuộc sống cho thấy, các sự kiện diễn ra trong đời sống xã hội rất đa dạng, vì vậy nhà báo phải biết phân biệt đúng - sai, điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Điều này cực kỳ quan trọng, bởi vì với công nghệ 4.0, sức lan tỏa của một bài báo không chỉ thu hẹp trong tòa soạn, địa phương, quốc gia, mà lan tỏa khắp thế giới. Vì vậy, khi đặt bút viết tác phẩm, nhà báo phải luôn đứng trên lợi ích của cộng đồng và hơn hết là lợi ích của đất nước.
Trong thời đại công nghệ số, nhiều người thường có thói quen “lướt mạng” trên các thiết bị di động để đọc báo, do đó nhà báo được ví như “đầu bếp văn hóa”, sản xuất những “món ăn” tinh thần để phục vụ nhu cầu của công chúng. Muốn thực hiện được điều này, mỗi nhà báo không chỉ viết báo hay, chụp ảnh đẹp mà còn đặt hết tâm lực, trí lực của mình vào tác phẩm, để làm sao nó thật chuẩn xác như sự kiện đã diễn ra để phục vụ bạn đọc. Nói cách khác, nhiệm vụ của nhà báo thời công nghệ 4.0 sẽ khó khăn hơn bao giờ hết trước tình trạng “nở như nấm” của mạng xã hội, giữa vô số những “món ăn tinh thần” được “bày ra” trên nền tảng truyền thông đa phương tiện với hàng chục triệu tài khoản facebooker, hàng ngàn tin tặc đang lan truyền tốc độ chóng mặt. Cho nên mỗi tác phẩm báo chí phải vừa thỏa mãn được thị hiếu của người đọc, người xem lại vừa thể hiện đầy đủ tính đúng đắn, chuẩn mực, khuôn mẫu trong vai trò định hướng dư luận, tuyên truyền cho cộng đồng tham gia để tạo nên động lực phát triển xã hội.
Là một thành tố góp phần làm nên lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam thừa hưởng bản lĩnh kiên cường, ý chí quật khởi, tinh thần vượt khó khăn gian khổ, sáng tạo nên đường đi lên cho riêng mình. Thượng tôn pháp luật, tận hiến với trách nhiệm xã hội, tận lực vì nghĩa vụ công dân, mỗi người làm báo và nền báo chí cách mạng Việt Nam từng ngày từng giờ bám sát thực tiễn cuộc sống với tinh thần phục vụ dân, phục vụ Đảng, phục vụ đất nước.
HOÀNG HÀ THẾ