Một trong những chức năng quan trọng của báo chí là tham gia giám sát và phản biện xã hội. Vậy làm thế nào để nhà báo thể hiện tốt vai trò này, góp phần tạo sự đồng thuận, đồng thời đẩy lùi cái xấu, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực?
Dưới đây là ý kiến của một số nhà báo tâm huyết với nghề.
* NHÀ BÁO PHAN XUÂN LUẬT (PHÓ GIÁM ĐỐC PHỤ TRÁCH ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH PHÚ YÊN): Có cơ chế khích lệ nhà báo làm nghề, thực hiện những tác phẩm có giá trị
Báo chí có chức năng rất quan trọng là tham gia giám sát và phản biện xã hội. Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên luôn xác định: “xây” đi đôi với “chống”, trong đó “xây” là chính, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Còn “chống” là để góp phần làm cho những chuyện chưa tốt đẹp, còn có vấn đề này vấn đề kia trở nên tốt đẹp hơn. Mục đích cuối cùng của “chống” chính là “xây”.
Thời gian qua, ngoài việc chú ý phát hiện những điển hình nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay…, anh em ở đài còn rất chú ý phát hiện những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Nhiều đề tài được anh em theo đuổi trong một thời gian dài, đầu tư thực hiện rất công phu. Kết quả là đài có những tác phẩm được khán thính giả quan tâm, góp phần giúp cho địa phương và các cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh những bất cập. Nhiều tác phẩm trong số đó đã được ghi nhận, đoạt giải cao tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc, Liên hoan Truyền hình toàn quốc, Giải Báo chí quốc gia và giải của các bộ, ngành Trung ương.
Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên luôn tạo môi trường thuận lợi, tạo cảm hứng cho anh em làm nghề. Anh em dám dấn thân, dám thực hiện những đề tài khó, gai góc, thậm chí nguy hiểm, là bởi trách nhiệm của nhà báo, bởi đam mê nghề nghiệp. Đấy là điều rất quan trọng. Khi anh em đã hết sức nỗ lực mà chúng ta không kịp thời động viên thì họ sẽ thiếu động lực để tiếp tục làm nghề, tiếp tục dấn thân. Vì thế, mặc dù còn nhiều khó khăn so với nhiều cơ quan báo chí khác nhưng đài vẫn có cơ chế khích lệ, động viên anh em thực hiện những tác phẩm báo chí có chất lượng cao.
* NHÀ BÁO TRỊNH HOÀI TRUNG (PHÓ TRƯỞNG PHÒNG KINH TẾ - BÁO PHÚ YÊN): Nhà báo cần có bản lĩnh và kiến thức toàn diện
Tham gia giám sát, phản biện xã hội là một trong những chức năng quan trọng của báo chí. Nếu nhà báo chỉ thông tin về một vấn đề, nêu ra những con số, nhận định, hình ảnh rập khuôn, chủ quan thì tác phẩm báo chí đó sẽ trở nên nhàm chán, ít thu hút người đọc, người nghe, người xem. Còn nếu vấn đề, sự kiện được các cơ quan truyền thông phản biện sâu sắc dưới góc nhìn đa chiều thì không chỉ góp phần nâng cao uy tín của tờ báo mà còn tác động rất lớn đến sự hoàn thiện của xã hội.
Thời gian qua, các cơ quan truyền thông của tỉnh đã tích cực thể hiện vai trò này, có nhiều tác phẩm báo chí góp phần phản biện xã hội, định hướng dư luận, giúp người dân hiểu đúng hơn về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều vụ việc tiêu cực đã được báo chí phanh phui, tạo được niềm tin cho nhân dân, góp phần đắc lực vào chủ trương chống tham nhũng, lãng phí mà Đảng đã đề ra. Không ít lần các nhà báo đã bị nguy hiểm, tính mạng bị đe dọa nhưng lòng dũng cảm, nhiệt huyết với nghề đã giúp họ vượt qua tất cả và trở thành những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.
Hiện nay, khi đất nước ngày càng phát triển, bùng nổ thông tin, các nhà báo cần tích cực hơn nữa trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội. Để làm được điều này, nhà báo không chỉ cần có bản lĩnh mà cần có kiến thức toàn diện. Mỗi nhà báo cần nâng tầm tri thức để nhìn nhận, đánh giá sự việc thấu đáo, thông tin chính xác và định hướng dư luận đúng đắn, phù hợp. Ngoài ra, nhà báo cũng cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin, giải quyết những vấn đề mà báo chí phản biện. Có như vậy, báo chí mới có thể thực hiện tốt chức năng tham gia giám sát, phản biện xã hội.
* NHÀ BÁO ĐOÀN PHÁP (CHÁNH VĂN PHÒNG HỘI NHÀ BÁO TỈNH PHÚ YÊN): Điều chỉnh môi trường pháp lý để báo chí chống tham nhũng
Vai trò của báo chítrong công cuộc chống tham nhũng được thể hiện rõ trongLuật Phòng, chống tham nhũng năm 2005; Nghị định 47/2007/NĐ-CP cũng quy định chi tiết về cơ chế, vai trò của các cơ quan báo chí trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” này.
Theo tôi, báo chí phải thực hiện 3 vai trò: Phơi bày những vụ việc tham nhũng; theo dõi và công bố những nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức trong cuộc chiến chống tham nhũng; tạo ra diễn đàn tranh luận trong công chúng để người dân trao đổi ý kiến với nhau và với Nhà nước.
Muốn thực hiện tốt, mỗi nhà báo, cơ quan báo chíphải đáp ứng những điều kiện, tiêu chuẩn tương ứng.
Để phơi bày tham nhũng: Tường thuật, điều tra là một phần thiết yếu trong chống tham nhũng của báo chí, tuy nhiên đây cũng là công việc khó khăn nhất, đòi hỏi phải có nỗ lực lớn từ các nhà báo giàu kinh nghiệm và có bản lĩnh, có sự hỗ trợ và hợp tác mạnh mẽ từ phía Nhà nước.
Việc theo dõi nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ đòi hỏi phải công bố những sáng kiến chống tham nhũng và giám sát được hiệu quả của chúng. Lâu nay, báo chí đa phần làđưa tin về những hành động của Chính phủ, công an và các hành động khác của Nhà nước liên quan đến chống tham nhũng, nhưng chưa phân tích được những thành công hay chưa thành công của các chính sách chống tham nhũng, chưa độc lập phơi bày những vụ tham nhũng lớn.
Tạo ra một diễn đàn tranh luận cho công chúng là cách để báo chí đóng góp vào chiến lược chống tham nhũng của Chính phủ. Trong nước, một sốcơ quan báo chí có uy tín đã và đang làm việc này, thông qua chương trình hộp thư truyền thanh, phát thanh; trao đổi trực tiếp trên truyền hình và các trang báo in dành cho độc giả.
Chúng ta cần chú ý đến việc điều chỉnhmôi trường pháp lý để báo chí chống tham nhũng, đảm bảo khi báo chí thực hiện không bị vô hiệu hóa bởi quy định trong các ngành khác. Bên cạnh đó cần nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ báo chí cho những nhà báo mới vào nghề; nâng cao nghiệp vụ điều tra và chống tham nhũng cho các nhà báo và biên tập viên báo chí. Mỗi cơ quan báo chí cần có bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp riêng cho mình, việc này là không thừa.
NGỌC LAN (thực hiện)