Thứ Tư, 23/10/2024 20:40 CH
Báo chí cách mạng Phú Yên xưa và nay
Thứ Năm, 21/06/2018 10:30 SA

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đông đảo bạn đọc thưởng lãm các loại báo trưng bày tại Hội Báo xuân Mậu Tuất 2018 tổ chức tại Thư viện tỉnh - Ảnh: P.V

Phan Lưu Thanh - người cộng sản Phú Yên đầu tiên, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên - trưởng thành trong phong trào công nhân sôi động ở Sài Gòn trong những năm 1929-1930, được kết nạp Đảng ở Chi bộ Thị Nghè (Sài Gòn) và được tổ chức Đảng phân công về Phú Yên hoạt động, gieo mầm cộng sản, thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tại Phú Yên vào ngày 5/10/1930.

 

Trưởng thành từ phong trào cách mạng sôi động ở Sài Gòn - nơi báo chí cách mạng được những người cộng sản sử dụng như một vũ khí sắc bén để lan tỏa lòng yêu nước và đấu tranh với kẻ thù thực dân, bậc tiền bối Phan Lưu Thanh sớm ý thức học tập nắm vững thành thạo nghiệp vụ ấn loát (in) để phục vụ cách mạng. Quý I/1931, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, đồng chí Phan Lưu Thanh được Xứ ủy Trung Kỳ điều động ra Quy Nhơn nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Ấn loát xứ ủy, nhiệm vụ chính là in truyền đơn và các ấn phẩm báo chí cách mạng bí mật để phục vụ các yêu cầu cách mạng của xứ ủy, đặc biệt là 3 tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên.

 

Trước đó, nhà báo cách mạng Lê Trung Nghĩa (người Phú Yên) - một cây bút sắc sảo lúc bấy giờ - đã nổi danh với bài báo “Vụ án đồng Nọc Nạn” xảy ra ở Phong Thạnh (Bạc Liêu) năm 1928 tố cáo các điền chủ cấu kết với thực dân Pháp cướp đất nông dân nghèo ở miền Tây Nam Bộ. Bài báo lan xa, hằn sâu trong nhiều tầng lớp, thức tỉnh lòng yêu nước thương nòi và hào khí vùng lên chống lại thực dân Pháp và bè lũ tay sai.

 

Nhận thức đầy đủ vai trò của báo chí cách mạng, bậc tiền bối Phan Lưu Thanh cùng các vị Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên kế tiếp (Trần Toại, Trần Hào, Huỳnh Nựu) đã sử dụng báo chí cách mạng (thông qua các tổ báo do xứ ủy lãnh đạo như Tiếng Dân, Nhành Lúa, Sông Hương) để tuyên truyền vận động quần chúng đấu tranh trực diện với thực dân Pháp và bè lũ tay sai.

 

Sau Cách mạng Tháng 8/1945 vừa giành được, chính lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã yêu cầu nhà thơ Vĩnh Mai (Nguyễn Hoằng), Trưởng Ty Thông tin tuyên truyền Phú Yên xuất bản ấn phẩm “Mùa đông binh sĩ”, vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ bộ đội Nam tiến.

 

Đầu năm 1946, nhà giáo Bùi Xuân Các - Trưởng Ty Kiểm duyệt - Sở Tuyên truyền Trung Bộ được điều động về Phú Yên làm Trưởng Ty Thông tin tuyên truyền thay nhà thơ Vĩnh Mai. Nhà giáo Bùi Xuân Các đã dốc tâm huyết xuất bản tờ báo Chiến Thắng xuất bản số đầu tiên ngày 19/8/1946. Những tin bài trên báo Chiến Thắng được phát loa tuyên truyền trong toàn tỉnh như hình thức sơ khai truyền thanh cơ sở.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, do yêu cầu chiến trường, tờ báo Chiến Thắng được thay đổi tên gọi như Cứu quốc khu 6, Phấn Đấu, Sức Mới… hoạt động cho đến ngày đình chiến. Năm 1956, Tỉnh ủy quyết định xuất bản tờ báo Đoàn Kết để thắp lên ngọn lửa ý chí, niềm tin trong những ngày gian khổ nhất. Sau Nghị quyết 15, Báo Đoàn Kết được đổi tên thành Báo Giải Phóng - cơ quan Mặt trận Giải phóng Miền Nam tỉnh Phú Yên.

 

Sau ngày giải phóng, Báo Giải Phóng đổi tên thành Phú Yên Giải phóng. Cuối năm 1975, Phú Yên và Khánh Hòa nhập thành tỉnh Phú Khánh. Tỉnh Phú Khánh hình thành các cơ quan truyền thông: Báo Phú Khánh, Đài Phát thanh Phú Khánh, Đài Truyền hình Nha Trang, Tạp chí Văn nghệ Phú Khánh và năm 1983 hình thành Nhà xuất bản Phú Khánh.

 

Sau ngày tái lập tỉnh 1/7/1989, tỉnh Phú Yên hình thành và đưa vào hoạt động từ tháng 7/1989 các cơ quan truyền thông: Báo Phú Yên, Đài Phát thanh Phú Yên, Đài Truyền hình Phú Yên, Tạp chí Văn nghệ Phú Yên và nhiều ấn phẩm lưu hành nội bộ của các sở, ban ngành và các địa phương. Khi Đài Truyền hình Phú Yên trở thành Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên, tỉnh đã đầu tư xây dựng Đài Phát thanh tỉnh trở thành Đài Phát thanh truyền hình Phú Yên.

 

29 năm qua (1989-2018), báo chí cách mạng Phú Yên ngày một phát triển và trưởng thành, hình thành nhiều tạp chí chuyên ngành có mã số quốc gia như Tạp chí Trí Thức Phú Yên, Tạp chí Khoa học Trường đại học Phú Yên…

 

Báo Phú Yên từ quy mô xuất bản 2 kỳ/tuần đã trở thành tờ nhật báo. Cùng với sự phát triển công nghệ thông tin, Báo Phú Yên đã xây dựng trang thông tin điện tử tiếng Việt và tiếng Anh, đưa tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên đến với toàn cầu.

 

Cùng với Báo Phú Yên, các cơ quan thông tin đại chúng đã tích hợp truyền thông đa phương tiện để phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, bạn nghe đài, khán giả truyền hình.

 

Trong thời đại thông tin đầy kịch tính in đậm trên dòng thác thông tin của nhân loại, các cơ quan thông tin đại chúng Phú Yên đang nỗ lực cải tiến nội dung, chương trình, hình thức, giao diện… để phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu thông tin và nhu cầu được thông tin của nhân dân.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek