20 năm đam mê, vui buồn, trăn trở với nghề, nhà báo Lê Biết (Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên) đã mạnh mẽ khẳng định mình bằng những tác phẩm nóng hổi tính thời sự, thể hiện bản lĩnh của một người cầm bút trước những vấn đề liên quan mật thiết đến dân sinh.
Nhà báo Lê Biết - Ảnh: CTV |
Với phóng sự điều tra Khai thác cát sông Ba, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, tài nguyên chảy về túi ai, Lê Biết đoạt giải B Giải Báo chí quốc gia năm 2017 và giải Bạc tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIII năm 2018. Cũng trong năm nay, một tác phẩm khác của chị và đồng nghiệp Quốc Hoàn, Bài học từ tâm bão, đoạt giải ba cuộc thi phim tài liệu, phóng sự ngắn Những sự kiện thiên tai cực đoan tại Việt Nam, bài học quá khứ, hành động tương lai do UNDP phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai tổ chức.
Gồm 3 kỳ, thời lượng hơn 21 phút, phóng sự điều tra Khai thác cát sông Ba, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, tài nguyên chảy về túi ai tái hiện những gì đang diễn ra trên dòng sông Ba trong nhiều năm. Nhà báo Lê Biết đã mất rất nhiều thời gian, công sức khi theo đuổi đề tài này. Từ cửa biển, chị ngược sông Ba đến khu vực giáp ranh giữa Phú Hòa với Sơn Hòa, cảm nhận sự bức xúc của người dân khi những thửa ruộng biến mất, những ngôi nhà đổ sụp xuống lòng sông. Câu hỏi đặt ra là ngoài sự tác động của tự nhiên, con người có lỗi hay không? Đi. Quan sát. Lắng nghe. Phân tích. “Những gì diễn ra trên sông Ba nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Quan sát qua flycam, tôi thấy dòng sông như bị băm nát”, Lê Biết kể.
Ngày nọ, khoảng 4 giờ sáng, Lê Biết nhận được cuộc gọi của người dân và chị tức tốc đến hiện trường - một làng nhỏ bên sông Ba thuộc huyện Phú Hòa. Dòng sông bị ngăn lại cho xe chở cát đi qua, mực nước phía trên “con đập” cao hơn 1,4m so với phía hạ nguồn. Chiều hôm trước, có hai đứa trẻ bị đuối nước ở phía trên “đập”, may mà người dân cứu được. Lê Biết gặp hai đứa trẻ, gặp gia đình các em. Họ khóc. Họ vô cùng bức xúc. Còn chủ mỏ cát thì thản nhiên: Tôi có đánh giá tác động môi trường. Tôi có giấy phép khai thác cát thì tôi khai thác.
Phóng sự điều tra của Lê Biết mở đầu bằng cao trào đó, bằng những bức xúc đó cũng như sự thờ ơ vô cảm đó.
Tác phẩm điều tra, dù ở loại hình nào, cũng không dành cho những nhà báo thiếu bản lĩnh, “non” tay nghề. Nếu những thông tin đưa ra không có cơ sở chắc chắn thì nhà báo sẽ trở thành “nạn nhân”. Lê Biết cùng các đồng nghiệp của mình đã gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận hiện trường, thu thập thông tin. Khi thì chị đi đường bộ, một mình, khi thì cùng người dân đi thuyền nhỏ len lỏi trên sông. Cũng có khi tiếp chị không phải là người quản lý mỏ cát mà là những con chó dữ, sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào. Dễ hiểu thôi, chị đang đụng đến “nồi cơm” của người khác, và họ ra sức bảo vệ lợi ích của mình.
Phóng sự điều tra Khai thác cát sông Ba, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, tài nguyên chảy về túi ai của Lê Biết khép lại sau khi truyền đi thông điệp: Có thể dùng công trình để khắc phục xói lở bờ sông, nhưng xói lở lòng tin thì không thể khắc phục trong ngày một, ngày hai mà cần sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng, của những người có trách nhiệm. Dòng sông Ba cần được trả lại sự bình yên vốn có của nó!
Đề tài “nóng” này, Lê Biết thực hiện ở hai loại hình báo chí: phát thanh và truyền hình. Nếu như với phóng sự phát thanh, chị độc lập tác nghiệp, tái hiện những gì đang diễn ra trên sông Ba bằng âm thanh ngay tại hiện trường, bằng tiếng nói của người dân, của chính quyền địa phương và những người trong cuộc thì với phóng sự truyền hình, chị thực hiện cùng một số đồng nghiệp và tái hiện tất cả bằng hình ảnh.
Bao năm qua, Lê Biết được biết đến như một nhà báo say nghề, “tả xung hữu đột” và không ngại “lao” vào những đề tài gai góc. “Nhà báo thì phải đi. Đi để biết cuộc sống đang diễn ra như thế nào. Đi để làm mới mình”, Lê Biết chia sẻ. Chính vì quá say nghề nên dù bận “bù đầu” với vai trò Phó Trưởng Phòng Thời sự, với công việc biên tập, tổ chức sản xuất, đạo diễn các chương trình, chuyên mục thời sự, chị vẫn tranh thủ đi những khi có thể. Nhiều hôm chị đi làm từ 5 sáng, đến 8 giờ thì trở về phòng làm việc ở cơ quan, cuối giờ chiều lại đi tiếp. Cũng có khi chị bắt đầu công việc và lao ra hiện trường từ 1, 2 giờ sáng khi có thông tin nóng từ người dân, nhất là thông tin về thiên tai. “Với một nhà báo, điều quan trọng nhất là được làm nghề và đặt trọn tâm huyết vào nghề. Tất nhiên việc biên tập, xử lý tin bài của phóng viên là một khâu quan trọng trong quy trình làm báo, nhưng để biên tập tốt thì trước hết phải làm nghề tốt và phải bám sát dòng thời sự. Như vậy mới biết thông tin phóng viên đưa lên chính xác hay không và trong những trường hợp cần thiết phải kiểm chứng như thế nào…”, nhà báo Lê Biết nói. Sức làm việc của chị thật đáng nể! Ngoài công việc biên tập, chị còn phụ trách bốn chuyên mục trên sóng phát thanh và truyền hình: Dân hỏi, thủ trưởng sở ban ngành trả lời, Bình luận mỗi tuần một vấn đề, Biên giới biển đảo và Vì an ninh Tổ quốc. Đó là những chương trình chính luận đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ năng, kinh nghiệm. Điều may mắn là chồng và hai con của Lê Biết như những người bạn lớn trong gia đình, có thể trao đổi, thảo luận một cách thẳng thắn, cởi mở. Niềm hạnh phúc đó, không phải ai cũng có được.
“Nghề báo làm cho chúng ta luôn luôn mới, luôn luôn năng động. Cuộc sống vận hành đến đâu, tư duy của nhà báo bắt kịp đến đó. Chúng ta tiếp cận được nhiều thứ và “lớn” lên theo nghề, nếu thật sự làm nghề”, nhà báo Lê Biết chia sẻ.
YÊN LAN