Thời gian qua, ngành GD-ĐT Phú Yên đã tích cực triển khai các văn bản chỉ đạo của các cấp, của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh và đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận về bình đẳng giới, góp phần thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội tiếp cận, tham gia, hưởng lợi trong lĩnh vực GD-ĐT.
Thời gian qua, ngành GD-ĐT triển khai thực hiện Mục tiêu 4 của Chiến lược quốc gia VSTBPN đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Bước đầu ngành GD-ĐT đã xây dựng quy hoạch về đội ngũ viên chức nữ tham gia cấp ủy, lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý nhà nước; nâng cao số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, quản lý trường học. Đơn cử, khối trực thuộc sở năm 2008 chỉ có 14 nữ lãnh đạo thì đến năm 2017 có 26 nữ trưởng và phó đơn vị trực thuộc, phòng GD-ĐT có 4 nữ, 2 trưởng, 2 phó trưởng phòng.
Toàn tỉnh thu hẹp được khoảng cách bé trai và bé gái đến trường và tỉ lệ phụ nữ biết chữ, đặc biệt phụ nữ vùng khó khăn, dân tộc thiểu số tăng lên. Phú Yên đã hoàn thành công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS từ năm 2008. Đến nay, tỉnh tiếp tục giữ vững và nâng chất lượng phổ cập tiểu học lên mức độ 3, phổ cập THCS và phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Học sinh tốt nghiệp THPT và tương đương đạt 79,1%. Đây là nhiệm vụ và là chỉ tiêu quan trọng để nâng cao tỉ lệ học sinh đến trường nói chung, tỉ lệ học sinh nữ được đến trường nói riêng, đảm bảo sự bình đẳng giới trong giáo dục.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại khác biệt lớn trong vai trò lãnh đạo, chỉ có một số ít viên chức nữ tham gia lãnh đạo, quản lý là cấp trưởng, còn hầu hết là cấp phó, tỉ lệ cấp trưởng là nữ ở các trường phổ thông (tiểu học, THCS, THPT) là 11,9% (35/293), cấp phó 29,1% (117/401), chỉ có trường mầm non, do đặc thù ngành học nên quản lý là cấp trưởng; tiểu học có 26 nữ viên chức là hiệu trưởng/169 trường; THCS có 9/106 trường, THPT 0/33 trường.
Từ năm học 2013 đến nay, tất cả các trường THCS và THPT, THPT, Phổ thông Dân tộc nội trú đồng loạt triển khai chiến dịch “Cùng chia sẻ”, các hội thi, hoạt động ngoại khóa về những vấn đề liên quan về giới, bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản vị thành niên. Qua đó đã cung cấp cho học sinh phương pháp tiếp cận trong giáo dục giới, bình đẳng giới, những hiểu biết cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản, về tình dục an toàn, giáo dục cho học sinh về lối sống lành mạnh, quan hệ tình bạn, tình yêu trong sáng, góp phần ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc, bảo vệ sức khỏe cho các em để các em có thể học tập tốt hơn và đạt được ước mơ của bản thân trong tương lai.
Trong ngành GD-ĐT, tỉ lệ nữ viên chức, trẻ em gái chiếm trên 55%. Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất vẫn là nhận thức về bình đẳng giới và sự chỉ đạo của các cấp các ngành trong việc triển khai lồng ghép giới và các nhiệm vụ cụ thể trong chăm sóc sức khỏe cho nữ viên chức và học sinh nữ, như chưa phối hợp lập kế hoạch khám sức khỏe định kỳ hàng năm, việc tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại đối với phụ nữ trong ngành thuộc vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trong các trường mầm non, tiểu học giữa các vùng miền còn cao…
Trong giai đoạn 2016-2020, việc lồng ghép các chỉ tiêu của mục tiêu cải thiện và nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong Chiến lược quốc gia VSTBPN vào kế hoạch phát triển y tế địa phương cần được đẩy mạnh một cách có hiệu quả, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, trong đó nữ viên chức và trẻ em gái ngành Giáo dục phải được xây dựng kế hoạch khám sức khỏe định kỳ hàng năm…
Trong giai đoạn tới, bình đẳng giới trong GD-ĐT trước hết là bình đẳng về cơ hội học tập, nhằm giúp cho nữ giới nói chung và nhóm phụ nữ yếu thế nói riêng (như các nhóm phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số, tàn tật…) có nhiều điều kiện hơn trong GD-ĐT, đủ kiến thức phổ thông, chuyên môn, tự tin khi làm việc, qua đó có nhiều cơ hội để tham gia vào các ngành nghề tương đối ổn định và có ưu thế về thu nhập và phát triển. Tiếp tục thực hiện công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục các cấp. Vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ và các em gái phải được tạo thuận lợi để tiếp tục theo học ở các trường THPT, cao đẳng, đại học, sau đại học. |
NGUYỄN THỊ NGỌC ÁI
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên