Từ năm 2017, giá dịch vụ y tế được áp theo mức mới cho cả đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và chưa có BHYT. Việc tăng giá viện phí, đồng nghĩa với đầu tư cho y tế sẽ được chú trọng, người bệnh được lựa chọn các dịch vụ y tế để khám chữa bệnh theo nhu cầu, giúp người dân được hưởng quyền lợi nhiều hơn.
Nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn người dân khi đến khám bệnh - Ảnh: YÊN LAN |
Giá dịch vụ y tế đồng loạt tăng
Theo Thông tư 02/2017/TT-BYT, từ ngày 1/6/2017, hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT chính thức được áp dụng giá viện phí mới.
Việc điều chỉnh giá cho nhóm đối tượng này là để đảm bảo công bằng giữa người tham gia và người chưa tham gia BHYT, khuyến khích việc toàn dân tham gia BHYT. Bởi trước đó, tháng 11/2015, giá viện phí tại các bệnh viện cũng đã đồng loạt tăng nhưng chỉ áp dụng cho bệnh nhân có BHYT.
Riêng tại Phú Yên, ngày 21/9/2017, HĐND tỉnh mới ban hành Nghị quyết 24/2017/NQ-HĐND quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT thay cho Nghị quyết 59/2012/NQ-HĐND ngày 14/9/2012.
Theo nghị quyết này, nhiều dịch vụ y tế tăng giá từ 20-50% so với trước đây, cá biệt có những dịch vụ tăng giá 2-3 lần so với giá cũ. Mức giá dịch vụ này áp dụng cho đối tượng là người không có thẻ BHYT hoặc người có thẻ BHYT nhưng đi khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT...
Với những người chưa tham gia BHYT, theo cách tính mới, chi phí khám bệnh, kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện hạng II tăng từ 10.000 đồng lên 35.000 đồng; khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ (không kể xét nghiệm, X-quang) từ 70.000 đồng lên 120.000 đồng; ngày giường bệnh nội khoa ở các khoa: Truyền nhiễm, Hô hấp, Huyết học, Ung thư, Tim mạch, Tâm thần, Thần kinh, Nhi, Tiêu hóa, Thận học; Nội tiết; Dị ứng (đối với bệnh nhân dị ứng thuốc nặng: Stevens Jonhson/Lyell) đối với bệnh viện hạng II từ 45.000 đồng lên 178.500 đồng; chụp PET/CT từ 14 triệu đồng lên hơn 20 triệu đồng…
Như vậy hiện nay, với cả người có thẻ BHYT hay không có thẻ BHYT, mức giá dịch vụ y tế đều tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, người tham gia BHYT thì có Quỹ BHYT cùng chi trả nên việc tăng giá các dịch vụ có tác động nhưng không nhiều. Riêng những người chưa có BHYT là nhóm đối tượng chịu tác động mạnh nhất vì phải thanh toán 100% chi phí và phải chịu mức phí cao khi sử dụng nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm.
Theo lộ trình từ đây đến năm 2020, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT sẽ còn tăng cao vì hiện nay, Phú Yên áp giá dịch vụ y tế vẫn còn thiếu một số yếu tố.
Người dân khám và điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy An - Ảnh: THÁI HÀ |
Người dân phải được hưởng lợi
Khi giá viện phí tăng, người dân không có BHYT phải chi trả các dịch vụ y tế với giá cao và sẽ có nhiều động lực để tham gia BHYT. Tuy nhiên, nhiều người bệnh đặt ra câu hỏi: “Sau khi tăng giá viện phí, chất lượng khám chữa bệnh có tăng tương ứng?”. Sự hoài nghi này là có cơ sở, bởi hiện nay, từ bệnh viện tuyến Trung ương đến tuyến tỉnh, huyện đều trong tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép. Và nhiều người còn băn khoăn bởi, khi cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa được đầu tư đúng mức thì liệu chất lượng khám chữa bệnh có tăng cùng viện phí?
Lý giải về vấn đề này, ông Trần Quang Vinh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, đứng ở góc độ của đơn vị BHXH khẳng định rằng: Chắc chắn chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh sẽ được nâng chất. Bởi khi lương cơ bản tăng, phí đóng BHYT quy định cao hơn trước, giá dịch vụ kỹ thuật, chi phí khám chữa bệnh cao hơn thì việc đầu tư cho y tế cũng được chú trọng.
Bên cạnh đó, hiện nay không chỉ có bệnh viện công mới khám bệnh nhân có thẻ BHYT mà ở các phòng khám đa khoa tư nhân như Đức Tín cũng có nhiều người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa quốc tế sau khi được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đi vào hoạt động cũng trở thành đối trọng cạnh tranh với các bệnh viện công.
Cùng với đó, hiện nay, người có thẻ BHYT đã được liên thông tuyến huyện khám chữa bệnh trong cả nước. Ví dụ người dân ở huyện Đông Hòa, có thể khám ở Bệnh viện Đa khoa TP Tuy Hòa; người dân huyện Sông Hinh có thể đến khám Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa hoặc bất kỳ bệnh viện tuyến huyện nào trên cả nước.
Trước sự chuyển biến đó, các cơ sở y tế nhà nước sẽ phải cạnh tranh với nhau và cạnh tranh với các cơ sở y tế tư nhân. Vì vậy, để tạo được niềm tin với người bệnh (khách hàng), đội ngũ những người trong ngành Y phải có tinh thần làm việc ân cần; y bác sĩ phải giỏi chuyên môn thì người bệnh mới tìm đến.
Chị Nguyễn Thị Lệ Huyền (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) chia sẻ: “Tôi làm việc tại Tuy Hòa nên đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Khi sinh con, tôi vào Bệnh viện Sản - Nhi sớm mấy ngày trước dự sinh vì mắc bệnh quai bị. Vào viện cả tuần lễ, dù nằm ở khu vực cách ly nhưng tôi vẫn được các y bác sĩ ở đây chăm sóc tận tình, tinh thần thái độ vui vẻ, chu đáo.
Tuy nhiên, có một vướng mắc nhỏ là trong khi nhiều bác sĩ rất nhiệt tình trong khâu khám chữa bệnh thì các nhân viên làm giấy tờ, thủ tục bên ngoài có thái độ chưa tốt lắm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp mà các bệnh viện đang nỗ lực xây dựng”.
Để phục vụ tốt hơn cho người bệnh, bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế cho biết, thời gian qua, ngành Y tế đã phối hợp với các ngành liên quan chuyển giao kỹ thuật tiến bộ; đẩy mạnh triển khai chính sách hành động quốc gia về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ; hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin khám, chữa bệnh trực tuyến; xây dựng hệ thống quản lý thanh toán khám, chữa bệnh BHYT.
Song song với đó, các cơ sở y tế tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, triển khai tốt đường dây nóng nhằm đảm bảo quyền lợi người bệnh.
THÁI HÀ