Thứ Sáu, 18/10/2024 13:27 CH
Hoàn chỉnh pháp luật về lao động trẻ em đảm bảo thực hiện các quyền của trẻ
Thứ Ba, 03/04/2018 08:14 SA

Xóa bỏ lao động trẻ em là một ưu tiên toàn cầu và được cả thế giới đồng thuận. Trong ảnh: Một giờ học của trẻ tại Trường mầm non Sơn Ca - Ảnh: MẠNH THÚY

Theo kết quả điều tra mới nhất do Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH cùng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện cho thấy, hiện nay Việt Nam đang có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên (từ 5-17 tuổi) đang phải làm việc nặng nhọc hoặc làm việc trong những điều kiện có hại cho sức khỏe.

 

Về cơ bản, tỉ lệ này không phải trầm trọng và chưa đến mức báo động, tuy nhiên, nếu trẻ em phải lao động sớm thì các quyền được phát triển, học hành, quyền được bảo vệ không bị xâm hại, bóc lột không được bảo đảm.

 

Tại hội thảo tư vấn xây dựng pháp luật về lao động trẻ em do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp cùng ILO tổ chức, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp khẳng định lao động trẻ em là sự vi phạm nghiêm trọng tới quyền trẻ em và nó sẽ làm giảm chất lượng, trình độ và năng lực của nguồn lao động trong tương lai. Xóa bỏ lao động trẻ em là một ưu tiên toàn cầu và được cả thế giới đồng thuận. Thông qua mục tiêu 8.7 của Mục tiêu Phát triển bền vững SDG, cộng đồng thế giới đã cam kết loại bỏ tất cả các hình thức lao động trẻ em vào năm 2025.

 

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong giải quyết lao động trẻ em, thiết lập một khung pháp lý vững chắc để phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và thực hiện một số chương trình và dự án để giảm thiểu lao động trẻ em tại các cấp trung ương và địa phương.

 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng nhấn mạnh, hiện nay ILO cũng như Việt Nam chưa có khái niệm rõ ràng về “lao động trẻ em” và “trẻ em làm việc”. Thế giới có một quan điểm chung rằng không phải đứa trẻ nào làm việc cũng là lao động trẻ em. Gia đình nghèo thì trẻ em cũng phải giúp đỡ gia đình làm một vài công việc để trang trải cuộc sống.

 

Để trẻ em làm việc không hề xấu nhưng trẻ em làm việc quá giờ, ảnh hưởng học hành, vui chơi, giải trí, phát triển thể chất, tinh thần - trở thành lao động trẻ em thì cần phải ngăn cấm. Do đó, chúng ta phải tìm giải pháp để chuyển lao động trẻ em sang trạng thái trẻ em làm việc.

 

Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO Hà Nội, cho biết trong quá trình ILO triển khai một số dự án tại Việt Nam đã nhận thấy trong chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa vẫn có nguy cơ tồn tại lao động trẻ em. Do đó, theo ILO, trong công cuộc đấu tranh phòng chống lao động trẻ em mà Việt Nam đã nhất quán theo đuổi chương trình nghị sự toàn cầu, đòi hỏi các đối tác phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xây dựng khuôn khổ pháp lý, cải thiện khâu chính sách, rà soát lại pháp luật lao động tuân thủ cam kết quốc tế về lao động trẻ em.

 

“Thông tin và số liệu thống kê chi tiết về bản chất và mức độ lao động trẻ em cần được thu thập và cập nhật, để làm căn cứ cho việc xác định những ưu tiên hành động quốc gia nhằm xóa bỏ lao động trẻ em, đặc biệt để nghiêm cấm và loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất như một vấn đề cấp thiết”, ông Chang Hee Lee nhấn mạnh.

 

Về khái niệm “lao động trẻ em”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, cho rằng, hiện nay ranh giới xác định lao động trẻ em và trẻ em tham gia lao động rất khó nhưng cần quy định rõ trong quy phạm pháp luật, cần có những tiêu chí rõ ràng trên cơ sở hài hòa pháp luật Việt Nam phù hợp với các công ước quốc tế và đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện các hiệp định thương mại. Cần nhận thức rõ rằng không phải tất cả công việc trẻ tham gia vào hoạt động kinh tế đều xấu, nhiều công việc phù hợp với độ tuổi là điều nên khuyến khích để tăng cường kỹ năng sống cho các em, hơn nữa có thể đóng góp cho sự phát triển kinh tế gia đình, cải thiện sinh kế...

 

Theo chuyên gia, trẻ em đang làm việc không bao gồm công việc nhà trong hộ gia đình của trẻ; hoạt động là một phần của việc học hành; trẻ em tìm kiếm công việc mà mình có thể làm nếu được yêu cầu. Như vậy, tính đơn cử việc trẻ em tham gia làm việc nhà có phải là lao động trẻ em hay không thì cần thiết phân độ tuổi và những công việc nhà mà trẻ tham gia để xác định đó có phải là lao động trẻ em. Bởi làm việc nhà có thể kéo dài 12giờ/ngày và những công việc này làm ảnh hưởng thể chất, tinh thần trẻ em.

 

Nếu chấm dứt hoàn toàn lao động trẻ em vào năm 2025 cần tập trung nhiều hơn nữa đối với lao động trẻ em nông nghiệp, nông thôn cũng như tiếp cận các công nghệ, nâng cấp hạ tầng, kỹ năng nghề, cải thiện hoạt động lao động trang trải… tất cả những hoạt động có liên quan đến trẻ em, đồng thời cần thiết phải phân nhóm độ tuổi thì mới có thể chấm dứt lao động trẻ em.

 

(Báo Lao động - Xã hội)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek