Thứ Sáu, 18/10/2024 15:51 CH
Cuộc sống mới nơi đất lành
Chủ Nhật, 01/04/2018 08:22 SA

Trên vùng đất mới, chị Hoàng Thị Đàn nỗ lực lao động, vươn lên trong cuộc sống - Ảnh: PHƯƠNG OANH

Sau ngày Phú Yên giải phóng, nhiều đồng bào ở các tỉnh phía Bắc di cư vào Sông Hinh sinh sống. Họ nỗ lực vượt qua khó khăn, nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới, biến vùng đất hoang sơ, “rừng thiêng nước độc” năm nào thành một vùng đất lành với những buôn làng yên vui, no ấm, trù phú.

 

Những công dân thời mở đất

 

Vượt chặng đường hơn 70 cây số trong nắng nóng đầu mùa khô miền Trung, chúng tôi lên với đồng bào các xã vùng cao ở huyện Sông Hinh. Quốc lộ 29 nối Phú Yên - Đắk Lắk rộng thênh thang, trải nhựa bằng phẳng. Đường vào các xã Ea Trol, Ea Ly, Ea Bia, Ea Lâm, Sông Hinh như uốn lượn trong màu xanh bạt ngàn của những vườn cây trái. Bức tranh của một cuộc sống bình yên, no đủ hiện ra trong tầm mắt chúng tôi, thay cảnh “rừng thiêng nước độc” của một thời “đói cơm lạt muối” chưa xa.

 

“Nơi này cách thị trấn Hai Riêng, trung tâm huyện hơn 30 cây số, bây giờ chỉ hơn nửa giờ chạy xe máy là đến nơi. Nhưng ngày trước, muốn về thị trấn mua thuốc men, thực phẩm phải đi mất cả tuần lễ. Cực lắm!” - chị Hoàng Thị Đàn, dân tộc Tày, nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã Sông Hinh, cũng là công dân điển hình trong công cuộc khai phá vùng đất “khỉ ho cò gáy” bên dòng sông Hinh này bùi ngùi nhớ lại.

 

Sau hơn 20 năm bám trụ lập nghiệp rồi “cuốc cày” mưu sinh, vợ chồng chị Đàn tạo dựng cho mình một cơ ngơi bề thế với khối tài sản nhiều người mơ ước. Ngôi nhà ngói ba gian của chị lọt thỏm giữa khu trang trại xanh um gần 8ha với hồ tiêu, cao su, nhiều cây ăn trái, rau màu các loại. Anh chị còn có một khu chuồng trại chăn nuôi với vài chục con bò, một đàn heo và gà hàng trăm con.

 

Một thời chưa xa, vùng đất Sông Hinh là chốn “rừng thiêng nước độc”, không ítngười đã bỏ làng vì ám ảnh bởi những trận sốt rét ác tính. Chỉ tay về những dãy núi bao quanh ngôi làng, chị Đàn kể: “Ngày đó, nông trường Buôn Kít ở xã Sông Hinh được lập ra, nhưng chưa có nhiều công nhân. Ban lãnh đạo nông trường phải đi đến các vùng quê ở ngoài Bắc để chiêu quân, đưa người về khai khẩn núi rừng, sản xuất. Trong cảnh khó nghèo của cuộc sống ở quê mình hồi đó, giữa năm 1989, tôi cùng chồng và ba đứa con nhỏ lên chuyến xe, trong đoàn người gồm 30 hộ gia đình, rời làng quê Phù Lưu (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) vào đầu quân cho nông trường Buôn Kít”.

 

Xe chở người vào đến làng thì đổ quân xuống khu tập thể của nông trường. Bao quanh lán trại, cả một vùng rừng núi rậm rạp, chỉ lác đác vài căn chòi tranh của người đồng bào thiểu số. Đường làng chưa nhiều và cũng chỉ là những con đường rậm dày cỏ dại, là nơi các loài muỗi vắt, rắn rít trú ẩn. “Những năm đó, muỗi sốt rét hoành hành rất dữ. Một năm, hai vợ chồng phải chịu năm, bảy lần lên cơn sốt rét. Cứ thay phiên đưa nhau ra trạm xá điều trị”, chị Đàn kể về nỗi ám ảnh một thời.

 

Công nhân nông trường làm một ngày công là 4.000 đồng; mỗi tháng tích góp được bao nhiêu công, nông trường sẽ quy ra thành gạo và cá khô để cấp cho gia đình. Khi nông trường giải thể, vợ chồng chị cóp nhặt từ tiền bán bắp, sắn trên khu đất tự khai hoang mua lại đất nông trường, mở rộng diện tích rẫy. Ban đầu là 5 sào, tiếp đến là 2ha, rồi 4ha và bây giờ là 8ha.

 

Cũng là một trong những cư dân đầu tiên của vùng đất Sông Hinh, ông Nguyễn Đình Sao, người dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ thôn Tân Lập, xã Ea Ly cho biết, ông dắt díu vợ con từ Lạng Sơn vào Phú Yên lập nghiệp. Không có tiền đi xe, cả gia đình ông đi bộ gần 70 cây số từ TP Tuy Hòa lên huyện Sông Hinh, rồi hàng ngày vật lộn với từng góc rừng để kiếm sống.

 

Hồi đó, nơi này là rừng thiêng nước độc, bệnh tật có thể đến với bất kỳ ai, rẫy của gia đình ông cũng thường xuyên bị thú rừng quấy phá. “Chúng tôi dựng chòi để ở, khai hoang đất đai làm rẫy trồng lúa. Cũng may, nhờ đất tốt, trời thương, sau vài năm trỉa lúa rẫy, không còn lo cái đói, rồi tiếp đến là trồng bắp, cà phê, mía, sắn... Cuộc sống dần dà ổn định, no đủ, có của ăn của để. Sau mấy vụ mùa, chúng tôi mở rộng sản xuất rồi xây nhà, mua ti vi, sắm xe máy”, ông Sao nói.

 

Mấy chục năm, từ đôi bàn tay trắng của những ngày đầu lập nghiệp, để có được khối tài sản như hôm nay, cũng như chị Đàn, ông Sao, hàng ngàn bà con đồng bào các dân tộc từ các vùng quê miền Bắc vào Sông Hinh lập nghiệp đã cần cù, chịu thương, chịu khó, không quản nhọc nhằn làm ăn. Trong câu chuyện đổi đời trên đất Ea Ly, họ nói rằng luôn biết ơn Đảng, Nhà nước quan tâm; biết ơn vòng tay rộng mở của chính quyền địa phương và những mối thân tình gắn bó, đoàn kết của bà con các dân tộc anh em ở đây đã giúp đỡ trên bước đường an cư lạc nghiệp. “Chúng tôi là người xa xứ vào đây lập nghiệp. Phú Yên là vùng đất mẹ cưu mang, nuôi dưỡng đời mình. Phú Yên đã là quê hương thứ hai của chúng tôi”, ông Sao thổ lộ.

 

Vững tin ở tương lai

 

Từ cuộc sống đa phần du canh, du cư với 90% hộ nghèo trước năm 2005, đến nay, người dân Sông Hinh đều có nhà cửa ổn định. Trên 50% số hộ có mức sống từ trung bình trở lên, nhà nào cũng có xe máy, ti vi và điện thoại. Nổi bật còn có hàng trăm hộ làm kinh tế trang trại, thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Những người dân đang bám trụ tại vùng đất này không thể nào quên những dấu mốc quan trọng góp phần đổi thay cuộc sống của họ. Năm 2001, công trình thủy điện Sông Hinh hoàn thành đưa vào sử dụng, lưới điện quốc gia cũng được kéo về thắp sáng tận cùng các thôn, buôn. Rồi các tuyến đường quốc lộ 29, 19C, ĐT649 nối Phú Yên với Đắk Lắk được nâng cấp, mở rộng, trải nhựa bằng phẳng. Cùng lúc, các công trình công cộng như điện, đường, trường học, nhà văn hóa các thôn, buôn đã được xây dựng khang trang.

 

Cùng với việc chăm lo, ổn định cuộc sống, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng di cư luôn được chính quyền địa phương chú trọng. Bí thư Chi bộ thôn Tân Lập Nguyễn Đình Sao cho biết, chính quyền xã thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn mở lớp tập huấn, lớp dạy nghề, tổ chức đi tham quan thực tế các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương khác, tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới.

 

Hiện nay, ngoài cây cao su, người dân còn trồng tiêu, trồng cỏ nuôi bò lai. Học tập kinh nghiệm từ các địa phương khác, bà con còn phát triển thêm một số cây trồng mới như nghệ, đinh lăng, cam mang lại hiệu quả. “Không chỉ với những người đang làm giàu trên mảnh đất này mà tất cả những ai bám trụ nơi đây đều thật sự biết ơn Đảng, Nhà nước. Với đà phát triển này, tôi tin, trong một ngày không xa, người dân Sông Hinh sẽ vượt nghèo”, ông Sao khẳng định.

 

PHƯƠNG OANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek