Thứ Sáu, 11/10/2024 10:15 SA
Tảo hôn - nỗi lo đối với đồng bào miền núi
Thứ Sáu, 29/09/2017 13:00 CH

Sinh hoạt Câu lạc bộ Cha mẹ và sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên tại xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) - Ảnh: TUYẾT DIỆU

Tảo hôn hay còn gọi là kết hôn sớm gây ảnh hưởng xấu đến khả năng chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), tâm sinh lý, đời sống gia đình và chất lượng giống nòi. Vậy nhưng, tảo hôn đang là vấn đề nhức nhối vẫn còn diễn ra trong đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi Phú Yên. Ngăn chặn tình trạng tảo hôn ở miền núi là việc mà các nhà chức trách cần làm ngay.

 

Nguy cơ khôn lường

 

Thực tế ở các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân cho thấy, người trẻ các dân tộc thiểu số kết hôn sớm (nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi) theo Luật Hôn nhân và gia đình, chiếm tỉ lệ cao. Các bà mẹ trẻ người dân tộc thiểu số gần như không có cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS. Tôi gặp Hờ Nga trong chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt 2 vừa qua tại xã Ea Ly, với vẻ ngoài hom hem cùng hai con nhỏ. Hờ Nga cho biết vì nhà nghèo không có tiền đi học, nên em phải nghỉ học sớm, rồi cưới chồng năm 17 tuổi. Ở tuổi 22, em đã có 2 con. Hờ Nga chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đi khám phụ khoa, do được chị cán bộ dân số thông báo. Nhờ địa điểm tổ chức chiến dịch gần nhà nên tôi tranh thủ đến khám”.

 

Chị Dương Thị Thu Đông, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Ly, cho biết: Tính từ năm 2015 đến tháng 3/2017, xã Ea Ly có 16 trường hợp tảo hôn, là một trong ba địa phương có tỉ lệ kết hôn sớm cao trên địa bàn huyện Sông Hinh. Vì các bà mẹ tảo hôn còn thiếu kiến thức, kỹ năng và không có điều kiện chăm sóc SKSS nên sức khỏe thường bị ảnh hưởng xấu. Phần lớn họ không có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con cái cho tốt. Tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở các cặp vợ chồng tảo hôn rất cao.

 

Chị La Mo Thị Uối, cộng tác viên dân số xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), nói: “Các cặp vợ chồng người Chăm H’roi tảo hôn gặp rất nhiều khó khăn trong việc nuôi dưỡng con cái. Vì phần lớn họ không có việc làm ổn định, thu nhập chỉ đủ lo cho con cái ăn đủ bữa chứ không có điều kiện tạo ra bữa ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Hơn nữa, những bậc cha mẹ ở tuổi vị thành niên còn vụng về, không biết cách chăm sóc trẻ con”.

 

Nghiêm trọng hơn, theo khảo sát của UBND huyện Sông Hinh, do ảnh hưởng của văn hóa hiện đại, nhiều người trẻ dân tộc thiểu số sống chung như vợ chồng, dẫn đến tỉ lệ mang thai sớm và mang thai độ tuổi vị thành niên gia tăng. Thêm vào đó, do chưa được chuẩn bị kiến thức tiền hôn nhân nên mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng trẻ người dân tộc thiểu số thường gây ra hậu quả đáng tiếc. “Thậm chí vừa rồi, có một trường hợp người vợ trẻ tự tử khi đang mang thai vì bế tắc trong việc hỏi cưới”, chị Dương Thị Thu Đông cho biết thêm.

 

Ở các địa phương miền núi khác, tình trạng này cũng đã xảy ra. Hờ N ở huyện Sơn Hòa, kết hôn lúc 17 tuổi. Ở tuổi 21, hiện Hờ N đã có một con và chịu đựng nỗi đau mất chồng. Hờ N chia sẻ: “Chồng em tự tử năm trước. Hai vợ chồng cũng không cãi vã nhiều. Em rất buồn vì chồng không chia sẻ với em. Trước đấy, anh họ của chồng cũng trạc tuổi tụi em, đang sống với vợ con, rồi buồn phiền gì đó cũng tự tử”.

 

Tăng cường truyền thông

 

Huyện Sông Hinh là địa phương có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Bà Nguyễn Thị Minh Trang, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh, cho biết: “Cán bộ, đảng viên, người lớn tuổi ở cơ sở rất tích cực vận động, tuyên truyền chính sách pháp luật về hôn nhân gia đình tới người thân trong gia đình và người dân. Chính quyền, đoàn thể các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên giáo dục cho thanh niên về tác hại của tảo hôn, chống lại các quan điểm lạc hậu trong gia đình và trong cộng đồng. Đây là các giải pháp bền vững giúp giảm thiểu tình trạng tảo hôn”.

 

Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, chủ trì thực hiện đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020. Ban đang thực hiện công tác phối hợp tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật về hôn nhân giữa gia đình với gia đình, nhà trường và xã hội. Ông La Văn Tỷ, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Phó Ban thường trực đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020, cho biết: “Ban đang phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thực hiện chiến dịch truyền thông phổ biến thông tin, đặc biệt là tác hại của tảo hôn; kiến thức pháp luật trong đó có Luật Hôn nhân và gia đình đến cán bộ, công chức, người có uy tín cấp thôn, xã ở các địa phương triển khai đề án. Chúng tôi cũng tăng cường truyền thông thí điểm ở các trường phổ thông dân tộc nội trú và một số trường THCS ở các địa phương miền núi. Tôi tin tưởng rằng, đề án sẽ giúp giảm tình trạng tảo hôn đáng lo ngại hiện nay ở khu vực miền núi”.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek