Hôm qua 22/11, Bộ Y tế đã báo cáo với Mặt trận Tổ quốc Việt
Nhiều người dân vẫn chưa biết viện phí tính đúng, tính đủ gồm những khoản mục gì?
Lý do mà Bộ Y tế nêu ra làm căn cứ để điều chỉnh chính sách viện phí là việc mức viện phí hiện nay chưa bù đắp đủ các chi phí trực tiếp phục vụ người bệnh. Chính sách viện phí cũng chưa rõ ràng, nên người dân chưa biết viện phí tính đúng, tính đủ gồm những khoản mục gì, nên không biết được mức độ Nhà nước bao cấp. Trong khi đó, bệnh viện không có đủ kinh phí để đảm bảo và nâng cao chất lượng điều trị.
Theo bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, "chính sách viện phí mới được xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ, công khai chi phí. Sẽ không còn tình trạng bao cấp tràn lan. Với viện phí mới, có thể tập trung nguồn hỗ trợ tốt cho đối tượng chính sách, đồng thời thực hiện được chủ trương chuyển dần việc cấp ngân sách cho các cơ sở y tế sang cho đối tượng trực tiếp thụ hưởng, các bệnh viện có kinh phí đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế".
Phát biểu tại buổi làm việc giữa Bộ Y tế và MTTQ hôm qua, ông Nguyễn Khánh, nguyên Phó thủ tướng cho rằng: "Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nguồn ngân sách chi cho y tế phải đạt 50% tổng chi của toàn xã hội cho khám chữa bệnh. Nếu tỷ trọng này mà thấp hơn 50% là mất công bằng. Mà tại VN, tỷ trọng này hiện chỉ đạt 30% là cực kỳ mất công bằng! Với tình trạng như vậy, thì lương phải do Chính phủ lo, chứ không tính vào viện phí". Ông Nguyễn Khánh còn cho rằng: "Cần quan tâm đến đối tượng học sinh tiểu học, trung học để có chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT. Rất tiếc là chúng ta vẫn chưa coi học sinh là đối tượng cần được hỗ trợ. Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần phải quan tâm đến sức khỏe học sinh, chứ không thể để bệnh học đường: cận thị, cong vẹo cột sống gia tăng như hiện nay".
Y tế ước tính số người được miễn - giảm viện phí theo chính sách viện phí mới sẽ vào khoảng 72% dân số (khoảng 62,5 triệu dân), gồm 21 triệu người nghèo; 9,5 triệu trẻ em dưới 6 tuổi; các đối tượng chính sách xã hội, hưu trí, người làm công ăn lương, thân nhân sĩ quan tại ngũ, cựu chiến binh... khoảng 13 triệu người; khoảng 5 triệu học sinh tham gia BHYT tự nguyện; 14 triệu người cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ BHYT. Như vậy, còn lại khoảng 28% dân số thuộc đối tượng có thu nhập trung bình trở lên phải trả viện phí để bù đắp chi phí KCB.
Dự thảo có đề cập nhóm "người tàn tật nặng"; "trẻ trên 6 đến dưới 16 tuổi bệnh nặng, gia đình không có khả năng chi trả" sẽ được miễn viện phí. Về quy định này, nhiều ý kiến cho rằng: rất mơ hồ. Mà cứ quy định mơ hồ như vậy thì việc miễn giảm có thể thực hiện theo kiểu... hảo tâm. Thích thì cho còn không quen biết có thể gặp khó khăn, ảnh hưởng xấu đến y đức. Quy định mơ hồ cũng gây khó khăn cho người ra quyết định miễn giảm vì không có tiêu chí rõ ràng.
Ông Trần Hữu Thăng, Phó tổng hội Y dược học VN nhấn mạnh: "Nên có chính sách BHYT bắt buộc toàn dân. Đây là giải pháp để ngăn mối quan hệ trực tiếp giữa bác sĩ với tiền nong. Không nên để bác sĩ vừa khám bệnh, vừa trực tiếp thu tiền. BHYT toàn dân không có gì là sáng kiến cả, các nước người ta đã làm từ lâu rồi!".
Theo Thanh Niên