Sau ngày toàn quốc kháng chiến cuối tháng 12/1946, cả tỉnh Phú Yên tiến hành tiêu thổ kháng chiến, mà trọng tâm là TX Tuy Hòa là trọng điểm tiêu thổ kháng chiến triệt để nhất. Nhà in Tú Phương phải dời về vùng rừng núi đèo Cây Cưa - Mái Dự (nay là vùng giáp ranh giữa TX Sông Cầu và huyện Đồng Xuân). Do nhà in tạm dừng hoạt động để di chuyển, Báo Chiến Thắng (tờ báo cách mạng đầu tiên của tỉnh Phú Yên, tiền thân của Báo Phú Yên hôm nay) tạm dừng hoạt động.
Nhà thơ Trần Mai Ninh - ảnh chụp tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) ngày 31/7/1939 |
Để bảo đảm công tác thông tin tuyên truyền trên địa bàn, phân ban cực Nam (còn gọi là khu VI, từ Phú Yên đến Bình Thuận) xuất bản tờ Nam Trung (Nam Trung Bộ) - cơ quan ngôn luận khu VI xuất bản mỗi tháng hai kỳ do nhà báo Võ Văn Sung (sau này là đại sứ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Pháp) phụ trách.
Sau đó, cấp trên điều động nhà thơ - nhà báo Trần Mai Ninh được điều động về phụ trách xuất bản tờ Cứu Quốc khu VI (kế tục tờ Nam Trung) - cơ quan ngôn luận của hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa. Một thời gian ngắn, tờ Cứu Quốc khu VI được tách thành hai tờ Thắng của Khánh Hòa và Phấn Đấu của Phú Yên. Nhà thơ Trần Mai Ninh được phân công làm Tổng Biên tập Báo Phấn Đấu.
Nhà thơ Trần Mai Ninh tên thật là Nguyễn Thường Khanh, sinh ngày 28/7/1917, quê gốc Thanh Oai, Hà Đông (nay là Hà Nội). Từ nhỏ ông cùng gia đình theo cha là một kỹ thuật viên ngành cầu đường thời Pháp thuộc sinh sống ở nhiều nơi, cuối cùng cả gia đình về sinh sống ở Thanh Hóa năm 1929.
Khi học xong tú tài phần 1 (tú tài bán - tương đương lớp 11 bây giờ), Trần Mai Ninh sớm giác ngộ cách mạng và dấn thân hoạt động tham gia xuất bản tờ Bạn Dân. Bị thực dân Pháp thu giấy phép, Trần Mai Ninh cùng các cộng sự tổ chức tờ Thời Thế và bị thực dân Pháp tịch thu nhà in, tịch thu toàn bộ số báo mới ra lò.
Trần Mai Ninh và các cộng sự không hờ nản chí, tập trung về tờ Tin Tức - cơ quan ngôn luận công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1936.
Tại Tòa soạn Báo Tin Tức, Trần Mai Ninh được cùng làm việc với các nhà cách mạng, nhà báo nổi tiếng như: Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Thép Mới, Đoàn Duy Kỳ, Trần Đình Trị…
Năm 1938, Đoàn Thanh niên Dân chủ được thành lập do đồng chí Đoàn Duy Kỳ làm chủ tịch, Trần Mai Ninh là thành viên lãnh đạo được phân công phụ trách tờ Thế Giới - cơ quan ngôn luận của Đoàn. Năm 1939, Trần Mai Ninh bị mật thám Pháp bắt giam tại Hỏa Lò (Hà Nội) và sau đó được trả tự do.
Năm 1940, Trần Mai Ninh được kết nạp vào Đảng. Năm 1941 bị thực dân Pháp bắt giam ở Hà Nội và đày lên Buôn Ma Thuột.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 7/3/1945, Trần Mai Ninh cùng nhiều đồng chí vượt thoát khỏi nhà tù Buôn Ma Thuột về Ninh Hòa (Khánh Hòa) hoạt động ở địa bàn của đồng chí Mai Dương (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Bí thư Tỉnh ủy của Khánh Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh cũ).
Sau khi tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Ninh Hòa, nhà thơ - nhà báo Trần Mai Ninh ra Phú Yên tham gia Hội Văn hóa cứu quốc Trung Bộ.
Tháng 5/1946, Đại đoàn 27 của Trung Bộ đóng tại Phú Yên. Trong một trận chiến khốc liệt của Đại đoàn 27 ở mặt trận đèo Cả, Trưởng Ban Tuyên truyền của Đại đoàn 27 là Hoàng Việt hy sinh. Chủ tịch Trung Bộ - tướng Nguyễn Sơn đã điều động đồng chí Trần Mai Ninh làm Trưởng Ban Tuyên truyền Đại đoàn 27.
Năm 1946, Trần Mai Ninh để lại hai bài thơ cực hay về Phú Yên và Nam Trung Bộ, đó là hai bài thơ nổi tiếng “Tình sông núi”, “Nhớ máu”… Bạn đọc yêu thơ cả nước hầu như ai cũng thuộc hình tượng gió Tuy Hòa thổi mãi trong thơ Trần Mai Ninh:
Ơ cái gió Tuy Hòa
Cái gió chuyên cần
Và phóng túng
Gió đi ngang, đi dọc
Gió trẻ lại lưng chừng
Gió nghĩ, gió cười
Gió reo lên lồng lồng.
Đầu năm 1948, nhà thơ Trần Mai Ninh được điều động vào chiến trường cực Nam, bị thực dân Pháp phục bắt, tra tấn dã man và hy sinh ở Khánh Hòa ngày 27/7/1948.
Ông Hoàng Xuân Thâm - một thiếu sinh quân ở chiến trường Phú Yên thời ấy kể rằng: “Tết Mậu Tý (tháng 2/1948), Nhà thơ Trần Mai Ninh đến dự buổi họp mặt tại nhà ông Bát Lễ ở thành An Thổ, huyện Tuy An. Anh em bộ đội và thiếu sinh quân vốn rất yêu quý thần tượng Trần Mai Ninh, được nghe nhà thơ đọc hai bài thơ “Tình sông núi”, “Nhớ máu”. Bộ đội và thiếu sinh quân nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng hai bài thơ độc đáo ca ngợi Tổ quốc nói chung và các tỉnh Nam Trung Bộ”.
Lời chào hẹn ngày gặp lại hôm ấy, thật ngậm ngùi thay là lời chia ly mãi mãi, để lại bao nỗi tiếc thương…
Trần Mai Ninh ra đi giữa lúc tài năng nở rộ ở cái tuổi 31, để lại một gia tài văn chương, báo chí rất có giá trị cho hậu thế.
Một đời gắn bó với bà con lao động, 3 lần bị thực dân Pháp bắt giam, trải qua 4 nhà tù và hy sinh khi còn rất trẻ, Trần Mai Ninh đúc kết hào sảng bằng thơ rằng:
Có mối tình nào hơn Tổ quốc
Trộn hòa lao động với giang sơn.
Tưởng nhớ Tổng Biên tập tài hoa Trần Mai Ninh, hậu sinh làm báo trân trọng giới thiệu một bài thơ Thèm trăng của ông sáng tác trong nhà tù tháng 1/1942 để như một lời tri ân của hậu thế.
Trăng ở đâu xa mới trở về
Đem màu sao biếc tặng pha lê
Trên tường mắt trẻ nhìn lưu luyến
Tha thiết mong gió tựa hoa kề.
Ôi đã ba trăng thầm nuốt hận
Âm thầm nằm lắng bước thời gian
Mơ rừng hàn mặc bao nhiêu bận
Luống mộng tơ trăng níu nhịp đàn.
Đêm hôm nay mơ thấy hồn trăng
Chẳng được trên vàng say đặt bước
Vươn ngắm trăng ngoài sân lả lướt
Hồn mơ chân tưởng vấp bâng khuâng.
PHAN THANH