Đầu năm 1956, Tỉnh ủy họp đề ra những chủ trương lãnh đạo đấu tranh chống địch khủng bố trong đó đặt mạnh vấn đề: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng, vạch trần âm mưu của địch, tuyên truyền phát huy truyền thống cách mạng của quân dân tỉnh Phú Yên.
Báo Phú Yên trong kháng chiến - Ảnh: Tư liệu |
Để mở rộng hình thức thông tin truyền thông, Tỉnh ủy quyết định xuất bản tờ báo, lấy tên là Báo Đoàn Kết, in li-tô (khổ18x24) mỗi tuần ra 1 số khoảng 100 bản. Nội dung: kêu gọi đồng bào đấu tranh chống Mỹ - Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, đòi hòa bình, thống nhất đất nước, đòi dân chủ, dân sinh, giáo dục khí tiết phẩm chất, đạo đức cách mạng, thông báo tin tức, tình hình, nêu gương đấu tranh của đồng bào trong tỉnh. Hình thức cũng khá phong phú có xã luận, thời sự, thơ ca hò vè, tranh đả kích… Đồng chí Trần Suyền, Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách công tác tuyên huấn, quyết định nội dung tờ báo, đồng chí Đinh Từ chuyên trách, biên tập tờ báo đảm bảo nội dung ra đúng kỳ. Các đồng chí: Lê Chí, Nguyễn Lưu, Nguyễn Viết Kỉnh (Ba Bô) chuyên lo việc in báo bằng ly tô.
Xuân 1958, qua Báo Đoàn Kết, Tỉnh ủy đã gửi lời chúc tết đến đồng bào trong tỉnh, một cụ thân sĩ có con là cơ sở cách mạng bị địch bắt ở tù đã có bài thơ gửi lên chiến khu:
Vui sướng gì đâu tết với xuân.
Kẻ nơi ngục thất kẻ núi rừng
Để ai nước mắt hòa chung rượu
Biết được ngày nào hạnh phúc chung.
Để uốn nắn tư tưởng bi quan của nhân dân trước hiện thực xã hội lúc bấy giờ ở Phú yên, Báo Đoàn Kết đã họa lại 4 câu:
Vì cả đời xuân hiến tuổi xuân
Sá chi ngục thất ngại chi rừng
Miễn tròn nghĩa vụ tròn non nước
Để đặng ngày mai hạnh phúc chung.
Báo Đoàn Kết tồn tại 5 năm từ 1955-1960. Sau khi, Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời (tháng 12/1960), Báo Đoàn Kết được đổi tên thành Báo Giải Phóng - cơ quan ngôn luận của Ủy ban Mặt trận giải phóng Tỉnh ủy Phú Yên do Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy tổ chức thực hiện.
THÀNH NAM