Thứ Sáu, 27/09/2024 09:18 SA
Ký ức Sài Gòn ngày 30/4
Chủ Nhật, 30/04/2017 08:00 SA

42 năm đã trôi qua, nhưng với những người đã chứng kiến thời khắc của ngày 30/4/1975 vẫn không thể nào quên được hình ảnh của Sài Gòn trong ngày tháng Tư lịch sử ấy.

 

Bà Trần thị Bích Liên

Bà Trần Thị Bích Liên (xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa) nhớ lại: Tháng 4/1975, ba mẹ và các em tôi đều ở TX Tuy Hòa, còn tôi đang là sinh viên Trường Nữ hộ sinh quốc gia Sài Gòn, nằm trên đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Sau khi nghe tin Buôn Ma Thuột và tiếp đó lần lượt các tỉnh ở miền Trung được giải phóng, nhiều người trong lớp có gia đình ở các tỉnh đó bỏ học về quê nhưng chỉ một số đi lọt, còn lại đều mắc kẹt tại Sài Gòn. Khi những cánh quân của đoàn quân giải phóng rầm rập tiến về Sài Gòn như vũ bão, một số người lo sợ rủ nhau lên tàu đi ra nước ngoài nhưng hầu hết đều phải quay về vì không thể chen lấn được trong cảnh hỗn loạn với số binh lính. Không giống như sinh viên các trường Văn Khoa, Vạn Hạnh…, phong trào đấu tranh phản chiến rất mạnh mẽ và sục sôi, sinh viên Trường Nữ hộ sinh quốc gia hầu như chỉ tập trung vào việc học nghề. Đến những ngày cuối cùng của tháng Tư năm ấy, hàng ngày và kể cả ban đêm, chúng tôi vẫn phải thay nhau trực thực tập ở Bệnh viện Từ Dũ sát trường. Cho đến khi nghe tin cánh cửa Dinh Độc Lập bị húc đổ, cờ chiến thắng của Quân Giải phóng được kéo lên, mọi người mới vỡ òa trong niềm vui đại thắng.

 

Còn nhớ trưa hôm ấy, lúc đầu nghe người dân hò reo: “Sài Gòn giải phóng rồi! Sài Gòn giải phóng rồi!...”, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì miền Nam được giải phóng, đất nước không còn chiến tranh, sẽ đoàn tụ với gia đình. Còn lo vì như chính quyền Sài Gòn tuyên truyền trước đó về những cuộc tắm máu khủng khiếp khi quân Bắc Việt tiến vào Sài Gòn, sẽ có nhiều người thương vong. Chính vì vậy, ban đầu, nhiều người không dám ra đường. Tất cả thông tin chỉ nắm bắt qua radio. Nhưng ngay khi lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh được phát trên đài phát thanh, tiếp đó là chương trình phát thanh trực tiếp do lực lượng sinh viên, trí thức Sài Gòn đảm nhiệm, cùng với người dân Sài Gòn, các nữ sinh chúng tôi liền đổ ra đường đón chào đoàn quân giải phóng. Không khí Sài Gòn lúc ấy rất náo nhiệt. Rất nhiều người đeo băng đỏ, cầm cờ Mặt trận (nửa xanh, nửa đỏ) đứng hai bên đường. Các anh Giải phóng quân ngồi trên những chiếc xe tăng, xe cơ giới, xe cam nhông… tiến vào thành phố rất trật tự, kỷ luật. Người dân hân hoan vẫy tay chào đón các anh, các anh cũng vẫy tay chào lại rất thân thiện. Giờ khắc lịch sử đó, tôi có cảm giác như đây là cuộc họp mặt của một gia đình lớn gặp nhau sau mấy chục năm xa cách. Người dân Sài Gòn mừng đón đoàn quân giải phóng như đón người thân yêu ruột thịt ở xa mới về.

 

XUÂN HIẾU (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek