Thời gian qua, tổ chức công đoàn đã kịp thời phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh giải quyết thành công nhiều vụ tranh chấp liên quan đến lợi ích của người lao động (NLĐ). Việc giải quyết tranh chấp lao động tại cơ sở không chỉ tháo gỡ vướng mắc giữa NLĐ và chủ doanh nghiệp mà còn góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.
Hòa giải tranh chấp lao động giữa công nhân lao động và lãnh đạo Công ty CP Foodtech chi nhánh Phú Yên - Ảnh: NGỌC HÂN |
Tích cực vào cuộc
Ông Hồ Hồng Nam, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh, khẳng định: “Trong thời gian đến, các cấp Công đoàn cần hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ công đoàn cơ sở kỹ năng đối thoại, tổ chức đào tạo, tập huấn cho thành viên tổ đối thoại về phương pháp và cách thức đại diện NLĐ tiến hành đối thoại với chủ doanh nghiệp… Làm được điều này chắc chắn sẽ hạn chế số vụ tranh chấp lao động đáng tiếc xảy ra”. |
Với vai trò, chức năng bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ tại các doanh nghiệp, sau khi nắm thông tin phản ánh, tổ chức công đoàn đã kịp thời phối hợp với các ngành tích cực tham gia giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp giữa NLĐ và chủ doanh nghiệp. Tiêu biểu như giải quyết tranh chấp lao động tại Công ty CP Foodtech chi nhánh Phú Yên (Khu công nghiệp Hòa Hiệp), Chi nhánh Công ty CP Vận tải biển Hoàng Anh tại Phú Yên và Công ty TNHH TS Phú Yên (TP Tuy Hòa) về đơn giá sản phẩm, làm thêm giờ, đóng BHXH, tăng ca, tiền lương khi chấm dứt hoạt động và cho thôi việc trái phép…
Tại Công ty CP Foodtech, gần 100 công nhân tập trung đòi hỏi một số quyền lợi như việc công ty xử lý hành vi vi phạm của NLĐ quá nặng; công tác bảo hộ lao động; thời giờ làm việc; chế độ ăn ca, làm thêm giờ; việc ký kết hợp đồng lao động, BHXH, BHYT và điều chỉnh đơn giá sản phẩm. Sau khi nhận thông tin, Công đoàn Khu kinh tế phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, LĐLĐ tỉnh, Sở LĐ-TB-XH và một số đơn vị liên quan đã có buổi làm việc với NLĐ và lãnh đạo công ty. Kết quả, lãnh đạo công ty đồng ý giải quyết một số yêu cầu của NLĐ và NLĐ đồng ý cách giải quyết của doanh nghiệp.
Còn vụ tranh chấp lao động xảy ra tại Công ty CP Vận tải biển Hoàng Anh là do công ty này thông báo ngừng hoạt động đột ngột, không giải quyết chế độ cho 40 nhân viên lái xe taxi, khiến NLĐ hoang mang, lo lắng. Để giải quyết hài hòa quyền lợi của các bên, ngay sau khi sự việc xảy ra, đại diện LĐLĐ tỉnh, các sở GTVT, LĐ-TB-XH đã có buổi làm việc với NLĐ và lãnh đạo công ty này, lập biên bản cam kết được hai bên thông qua. Kết quả, doanh nghiệp này đã chi trả đầy đủ tiền lương và các khoản phụ cấp cho các lái xe và nhân viên văn phòng chi nhánh.
Ngoài giải quyết các vụ tranh chấp trên, tổ chức công đoàn còn tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại khi NLĐ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng, bố trí việc làm không phù hợp. Như trường hợp đơn thư khiếu nại của bà Châu Thị Liên, nhân viên kế toán Công ty TNHH Sanhua (Khu công nghiệp Hòa Hiệp). Bà Liên có hợp đồng lao động với công ty hết hạn vào tháng 3/2016; sau thời gian nghỉ thai sản từ tháng 3-8/2016, đến tháng 9 đi làm lại nhưng được bố trí làm công việc khác nên bà không đồng ý. Sau khi nhận đơn thư, Công đoàn Khu kinh tế cùng Ban Quản lý Khu kinh tế đã kiểm tra, nắm rõ sự việc tại đơn vị này. Kết quả, bà Liên được công ty hỗ trợ chi phí đi tìm việc khác và bà đồng ý.
Hóa giải mâu thuẫn
Rất nhiều vụ tranh chấp về quyền lợi giữa NLĐ và doanh nghiệp diễn ra trên địa bàn tỉnh được các cấp công đoàn phối hợp cùng các ngành chức năng hòa giải thành công. Công tác hòa giải giúp các bên tranh chấp cùng hiểu và chia sẻ lẫn nhau, tôn trọng quyền và lợi ích của nhau. Ông Hồ Hồng Nam, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Hàng năm, các cấp công đoàn trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát, đối thoại trực tiếp để kịp thời bảo vệ quyền lợi NLĐ. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động NLĐ, chủ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định. Một khi mối quan hệ lao động được giải quyết hài hòa thì mối quan hệ công việc sẽ tốt hơn”.
Sau khi nghe NLĐ trực tiếp kiến nghị, ông Wicanate Praputh, Giám đốc Công ty CP FoodTech, nói: “Công ty sẽ từng bước thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho NLĐ đúng theo quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng yêu cầu NLĐ thực hiện nghiêm Luật Lao động, nêu cao tinh thần kỷ luật trong công việc”. Sau khi các vấn đề tranh chấp đã được giải quyết thỏa đáng, đại diện NLĐ Công ty CP Foodtech hứa sẽ trở lại làm việc. Tiếp đó, hai bên cùng thống nhất ký vào bản cam kết quy ước tập thể với nhiều điểm có lợi hơn cho NLĐ. Chị Lê Thị Hồng Dân, công nhân Công ty CP FoodTech, nói: “Tôi thấy thỏa mãn với các nội dung được đưa ra giải quyết tranh chấp. Tôi sẽ vận động các chị em cùng làm tốt công việc, chấp hành nghiêm quy định để cùng nhau giúp công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh doanh”.
Có thể nói rằng, việc giải quyết tranh chấp lao động góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; kịp thời bảo vệ được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Kinh nghiệm trong thời gian qua cho thấy, nơi nào tổ chức tốt đối thoại thì nơi đó có bầu không khí chân thành, cởi mở, NLĐ và người sử dụng lao động hiểu biết nhau hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn và nhờ đó tranh chấp lao động ít xảy ra.
NGỌC HÂN