Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 luôn là dịp các tầng lớp nhân dân trong tỉnh bày tỏ tâm tư, tình cảm và chung một niềm tin về tương lai tươi sáng của quê hương, đất nước…
ĐẠI TÁ TRẦN MINH TỪ, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH: Phát huy tốt truyền thống Bộ đội Cụ Hồ
Mỗi năm, cứ đến dịp 30/4, các cựu chiến binh chúng tôi lại nhớ đến bao đồng chí, đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến tranh giải phóng để Tổ quốc thống nhất vẹn tròn. Tiếp tục phát huy tốt truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, những năm qua, cán bộ, hội viên cựu chiến binh từ tỉnh đến cơ sở luôn tích cực tham gia xây dựng Hội, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và tham gia xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Bằng các việc làm thiết thực, hiệu quả, nhiều hội viên đã trở thành người sản xuất kinh doanh giỏi, cán bộ uy tín ở cơ quan, đơn vị, khu dân cư, được cộng đồng tin yêu, quý trọng. Hiện nay, cấp hội huyện và cơ sở đang tiến hành đại hội để đến tháng 9/2017 tổ chức Đại hội Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2017-2022, thiết thực lập thành tích chào mừng quê hương ngày càng đổi mới.
HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM THỦY, TRƯỞNG BAN TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH: Sống nhân ái, hướng thiện vì cộng đồng
Nếu như Đức Phật đã rời bỏ ngai vàng để tìm ra phương thức cứu khổ độ chúng sinh thì ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc 30/4 đã mang lại cuộc sống hòa bình, tự do trọn vẹn cho toàn dân ta. Với ý nghĩa này, Phật giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng với dân tộc, trong thời chiến cũng như trong thời bình, luôn cổ xúy đạo lý sống nhân ái, hướng thiện vì lợi ích chung của cộng đồng. Thời gian qua, thực hiện phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, bên cạnh chăm lo tốt phật sự, tăng ni và phật tử toàn tỉnh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện. Nhiều phần việc như tặng quà, tặng nhà Tình thương, sách vở… cho gia đình khó khăn, học sinh nghèo được triển khai tùy theo sự đóng góp phù hợp của mỗi cá nhân, tập thể. Thực hiện tốt việc này chính là thiết thực góp phần cùng các cấp chính quyền đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
GIÀ LÀNG OI KÍP, THÔN MA ĐĨA, XÃ CÀ LÚI, HUYỆN SƠN HÒA: Đoàn kết xây dựng thôn, buôn phát triển
Từ ngày giải phóng đến nay, Đảng và Chính phủ đã đầu tư, chăm lo cho vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ở các thôn, buôn trong tỉnh nói chung và thôn Ma Đĩa nói riêng ngày càng có nhiều thay đổi đáng mừng. Trẻ con được đi học, buôn làng có điện thắp sáng, có đường bê tông đi lại êm thuận, nhiều gia đình được các cấp chính quyền, các ngành hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi nên dần thoát đói nghèo. Là già làng, được dân tin tưởng, tôi thấy mình có trách nhiệm rất lớn. Đó là phải luôn nói điều đúng, làm điều hay, luôn gần gũi, vận động bà con chăm chỉ, chịu khó làm ăn. Đồng thời nhắc nhau đoàn kết xây dựng thôn buôn phát triển, không nghe lời kẻ xấu làm điều có hại cho an ninh trật tự chung.
NHÀ VĂN HUỲNH THẠCH THẢO, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PHÚ YÊN: Lao động với niềm đam mê sáng tạo
Sau những năm tháng đấu tranh với rất nhiều gian khổ, hy sinh của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày toàn thắng 30/4/1975 đã tạo ra sự đổi đời vĩ đại cho toàn dân tộc. Đất nước hòa bình, thống nhất, hoàn toàn tự do, độc lập, văn nghệ sĩ cũng được tự do, thỏa sức sáng tạo những tác phẩm giá trị để phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội khởi sắc của địa phương, nhất là từ năm 1989 đến nay, văn học nghệ thuật Phú Yên đã đạt nhiều thành tựu khích lệ trong các lĩnh vực với những tác giả, nghệ sĩ dần khẳng định chỗ đứng của mình trong lòng độc giả, khán giả địa phương, khu vực và cả nước. Để có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong thời gian tới, mỗi văn nghệ sĩ phải không ngừng lao động cật lực với niềm đam mê sáng tạo ra những đứa con tinh thần đẹp cả nội dung lẫn hình thức, phục vụ thiết thực công cuộc xây dựng quê hương tiến lên phồn vinh, hạnh phúc.
ÔNG NGUYỄN ĐÌNH SAO (THÔN TÂN LẬP, XÃ EA LY, HUYỆN SÔNG HINH): Chí thú làm ăn xây dựng nông thôn mới
Hơn 20 năm gắn bó, tôi nhận thấy đã có nhiều sự đổi thay ở vùng đất này. Nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai đến tận thôn, buôn, giúp bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, nhà cửa cũng khang trang hơn nhiều. Là nông dân sản xuất giỏi, tôi luôn cùng người dân trong thôn chấp hành đúng pháp luật, không mê tín dị đoan, chí thú làm ăn, phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời cùng bà con bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ở địa phương; giữ vệ sinh sạch đẹp ở các khu dân cư; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, kỹ thuật trồng trọt… để xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt đẹp.
PHẠM THỊ HẢI DƯƠNG, SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG: Thu hút nhân lực trẻ phục vụ quê hương
Thời gian qua, chúng tôi đã tự tin mang bản sắc quê nhà Phú Yên giới thiệu cùng bạn bè ngoài tỉnh và cảm nhận rất rõ sự háo hức của họ khi nghe giới thiệu về vùng đất “hoa vàng cỏ xanh”. 42 năm sau ngày giải phóng, quê nhà đã có bước chuyển mình lớn trong thu hút đầu tư, chỉnh trang bộ mặt đô thị, xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển du lịch… Nhìn bức tranh quê hương ngày một sáng đẹp, tôi càng có động lực phấn đấu học tập, trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm để trở thành công dân có ích cho xã hội. Năm học cuối này cũng là lúc tôi phải chọn một vùng đất mà mình sẽ gửi gắm tuổi trẻ, sống và cống hiến. Tôi mong rằng lãnh đạo tỉnh sẽ có những chính sách, cơ chế phù hợp nhằm khích lệ, thu hút nhân lực chất lượng cao về phục vụ công cuộc xây dựng một Phú Yên “vừa Yên, vừa Phú” như mong muốn của bao người.
NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ (thực hiện)