Chủ Nhật, 29/09/2024 04:28 SA
Dạy nghề giúp phụ nữ cải thiện đời sống
Thứ Bảy, 01/04/2017 14:00 CH

Nhiều phụ nữ ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) cải thiện đời sống từ mô hình Tổ phụ nữ liên kết sản xuất bánh tráng gạo - Ảnh: NGỌC DUNG

Dạy nghề cho lao động nữ là một trong những giải pháp tạo việc làm, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho chị em.

 

Cải thiện cuộc sống

 

Mí Nhơn ở buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), học nghề dệt thổ cẩm ở Trung tâm Dạy nghề huyện cách đây hơn 1 năm. Mí Nhơn cho hay mí học là để bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc, đồng thời có thể tranh thủ thời gian rảnh để dệt quần áo, khố cho người thân trong gia đình cũng như dệt bán sản phẩm theo đơn đặt hàng. Hiện một chiếc áo thổ cẩm nam có giá khoảng 2 triệu đồng, áo nữ 1,5 triệu đồng. Nhờ nghề truyền thống này, không chỉ Mí Nhơn mà nhiều phụ nữ khác trong buôn Lê Diêm cũng có thêm thu nhập. Theo Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hai Riêng Nay Hờ Chăm, Hội luôn tích cực phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tuyển sinh hội viên là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị trấn. Nhiều học viên học nghề truyền thống dệt thổ cẩm đều cảm thấy rất vui vì chị em có thể tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

 

Còn tại xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), trước đây, người dân thường canh tác theo phương thức truyền thống, dẫn đến rau màu dễ bị sâu bệnh, năng suất thấp. Việc làm thế nào để tăng năng suất cây trồng mà vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe của người tiêu dùng, đồng thời đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình luôn khiến người dân trăn trở. Đáp ứng nhu cầu của đông đảo hội viên, Hội LHPN xã đã phối hợp với HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Bình Ngọc tạo điều kiện cho chị em tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác rau an toàn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và Phòng Kinh tế thành phố tổ chức.

 

Chị Trương Thị Sinh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Ngọc Phước 2 (xã Bình Ngọc), Chủ nhiệm CLB Sản xuất rau an toàn năng suất cao, phấn khởi chia sẻ: Sau khi tham gia các lớp tập huấn trồng rau an toàn, bản thân tôi cũng như nhiều chị em khác đã biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới trong quá trình sản xuất rau an toàn. Cụ thể là phải tuân thủ quy trình làm đất, ủ phân, bón phân, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng nồng độ, đúng cách và đúng thời điểm, biết cách chọn giống tốt, sạch bệnh... Nhờ vậy, không những hạn chế được sâu bệnh hại rau màu, hạ thấp chi phí sản xuất, mà còn nâng cao thu nhập cho chị em. Theo chị Sinh, trước đây, nếu sản xuất rau không áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, trồng rau không đúng quy trình thì mỗi năm thu nhập của chị em ở Ngọc Phước 2 chỉ từ 85-98 triệu đồng/ha. Từ khi được tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn, tham gia CLB thì thu nhập của chị em đã tăng lên đáng kể, từ 180-200 triệu đồng/ha/năm.

 

Tích cực giúp phụ nữ nâng cao đời sống

 

Theo Hội LHPN Phú Yên, từ năm 2011 đến nay, các cấp Hội không chỉ phối hợp với các ngành chức năng, trung tâm, cơ sở dạy nghề trong tỉnh mở 989 lớp dạy nghề ngắn hạn và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi cho trên 59.000 phụ nữ mà còn tích cực tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 6.800 chị em tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, Hội cũng đã tích cực lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dạy nghề và việc làm vào các buổi sinh hoạt chi, tổ phụ nữ, tổ vay vốn, câu lạc bộ... Qua đó tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dạy nghề và việc làm cho trên 70% cán bộ, hội viên, phụ nữ.

 

“Ngoài ra, để giúp chị em nâng cao chất lượng đời sống, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xây dựng thí điểm 2 mô hình “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất bánh tráng gạo” tại xã An Mỹ (huyện Tuy An) và xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa). Đồng thời, các cấp Hội còn xây dựng và duy trì các dự án phát triển làng nghề trồng hoa cây cảnh, trồng rau sạch (TP Tuy Hòa); làm chổi đót, đan mây tre, làm bún tươi (huyện Phú Hòa); chế biến nước mắm, sản xuất bánh tráng, đan ngư lưới cụ (huyện Tuy An); làm muối, đan bóng cá (TX Sông Cầu)… để tạo điều kiện cho chị em được học nghề tại chỗ, giúp họ tham gia lao động sản xuất, phát triển làng nghề, nâng cao thu nhập”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Hồng Nga cho biết.

 

Theo bà Nga, khó khăn hiện nay là trên địa bàn tỉnh chưa có các doanh nghiệp lớn để thu hút một lượng lớn lao động nữ ở các địa phương vào làm việc. Vì vậy lâu nay, các cấp Hội chủ yếu phối hợp đào tạo cho chị em những nghề truyền thống, nghề phổ thông để chị em tự tạo việc làm sau khi học nghề. Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh kiến nghị các cấp ngành cần nâng cao hiệu quả đào tạo nghề gắn với tạo việc làm; xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động nữ ở nông thôn, miền núi, vùng bị thu hồi đất đầu tư cho các dự án. Qua đó tạo cơ hội cho chị em có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng đời sống, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

 

NGỌC DUNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek