Trong hơn 20 năm đất nước chia đôi hai miền Nam - Bắc, không mảnh đất nào chịu nhiều đau thương mất mát như ở đôi bờ Bến Hải - Hiền Lương, Vĩ tuyến 17. Bến Hải - Hiền Lương đã trở thành “nhân chứng lịch sử”, là biểu tượng của sự cách trở, chia ly và nỗi đau mất mát… Chính vì vậy, trong hành trình xuôi Nam, ngược Bắc, ai ai cũng muốn thấy tận mắt “nhân chứng lịch sử” này. Và cho đến hôm nay, sau gần 42 năm hai miền Nam - Bắc thống nhất, khi đến với mảnh đất này, quá khứ hào hùng và vô cùng sống động vẫn còn hiển hiện.
Cầu Hiền Lương, nửa phía bờ Bắc được sơn màu xanh, nửa còn lại được sơn màu vàng - nơi đã diễn ra nhiều cuộc tập kết lực lượng của ta và địch và cũng chính là nơi diễn ra nhiều câu chuyện cảm động giữa hai miền Nam - Bắc. |
Cột cờ Hiền Lương (cao 38,6m), biểu tượng của niềm tin, ý chí thống nhất của đồng bào miền Nam ruột thịt đang ngày đêm hướng về miền Bắc, hướng về Đảng và Bác Hồ kính yêu. |
Để lá cờ tung bay trên đỉnh cột, giữ vững biểu tượng sức mạnh chiến thắng của dân tộc, các chiến sĩ Đồn Công an Hiền Lương đã chiến đấu anh dũng hơn 300 trận lớn nhỏ dưới mưa gió, bão đạn để bảo vệ lá cờ. |
Hệ thống loa phát thanh tuyên truyền - một vũ khí tâm lý hữu hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm vạch trần âm mưu xâm lược đất nước ta của chính quyền Mỹ - ngụy và động viên, tiếp sức cho nhân dân miền Nam vững bước đấu tranh. |
Đồn Công an Hiền Lương, nơi không chỉ để tố cáo sự vi phạm Hiệp định của Mỹ - ngụy với tổ chức quốc tế mà còn là nơi diễn ra các cuộc đấu tranh gay gắt giữa ta và địch để bảo vệ quy chế khu phi quân sự. |
Công trình mang tên "Cụm tượng đài khát vọng thống nhất" đặt ở bờ Nam sông Bến Hải. |
Trên mạch nối giao thông giữa hai miền Nam - Bắc, cụm di tích đặc biệt cấp quốc gia Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, luôn là điểm sáng trong hành trình của du khách tìm về nơi đây để hoài niệm một thời đất nước chịu cảnh chia cắt. |
XUÂN HIẾU (thực hiện)