Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, sau một thời gian được khống chế, đến nay, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại tại nhiều địa phương.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thú y, hiện cả nước có sáu ổ dịch cúm gia cầm tại năm tỉnh chưa qua 21 ngày. Cụ thể, tại Bạc Liêu còn một ổ dịch cúm A/H5N1 tại huyện Phước Long; Nam Định còn hai ổ dịch cúm A/H5N1; Quảng Ngãi còn một ổ dịch cúm A/H5N6; Sóc Trăng còn một ổ dịch cúm AH5N1 và Đồng Nai còn một ổ dịch cúm A/H5N1. Toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh đã được chính quyền địa phương và cơ quan thú y tổ chức tiêu hủy.
Theo nhận định của Cục Thú y, thời gian tới, dịch cúm gia cầm có nguy cơ phát sinh và lây lan là rất cao. Một số chủng virus cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, AH5N) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Do đó, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
Ông Phạm Văn Đông cho biết, để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm bùng phát và lây lan ra diện rộng, đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, bao gồm việc kiểm soát chặt chẽ vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường, giao thông vận tải,… của các tỉnh tổ chức kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc nhập khẩu bất hợp pháp gia cầm, sản phẩm gia cầm; xác nhận trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân hợp thức hóa nguồn gốc gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu qua biên giới.
Ngoài ra, các tỉnh thành lập các đoàn công tác thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại tuyến cơ sở; chủ động triển khai giám sát, lấy mẫu giám sát trên gia cầm được buôn bán tại các chợ, điểm thu gom, tập kết gia cầm và các mẫu môi trường thuộc địa bàn có nguy cơ cao như các tỉnh biên giới phía Bắc, các địa phương có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc (thông qua các chương trình giám sát hiện nay do USAID, FAO, CDC tài trợ)…
Theo Cục Thú y, hiện cả nước có hai ổ dịch lở mồm long móng típ O xảy ra tại xã Đức Lập, huyện Đức Thọ và phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để. Đặc biệt, các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.
Đối với dịch tai xanh trên lợn, Cục Thú y cho rằng trong thời gian tới, có thể tiếp tục xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Do đó, các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan.
Theo TTXVN, Vietnam+