UBND tỉnh vừa triển khai đề án Trợ giúp người khuyết tật năm 2017 với kinh phí 630 triệu đồng. Mục tiêu của đề án là phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật; trợ giúp tiếp cận giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm, tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông…
Ngoài nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành LĐ-TB-XH, Tư pháp, TT-TT và các hội, đoàn thể, địa phương tranh thủ, vận động các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tặng xe lăn, xe lắc và dụng cụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trực tiếp dạy trẻ khuyết tật trí tuệ, khuyết tật nghe, nói, khuyết tật nhìn, khuyết tật ngôn ngữ, tự kỷ. Đồng thời xây dựng và nhân rộng một số mô hình dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho người khuyết tật theo Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để người khuyết tật tiếp cận, sử dụng các công trình xây dựng, tham gia giao thông công cộng. Các sở, ban ngành cần phối hợp dạy nghề và tuyển chọn những người khuyết tật đủ điều kiện tham gia nhập giữ liệu về thông tin truyền thông; thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thông qua các hoạt động thích hợp. Tổ chức các giải thi đấu thể thao, liên hoan văn hóa, văn nghệ dành cho người khuyết tật cấp tỉnh, cấp huyện, tuyển chọn vận động viên tham gia cấp toàn quốc.
HOÀNG LÊ