Thứ Sáu, 29/11/2024 21:37 CH
Công tác DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh: Còn nhiều khó khăn
Thứ Sáu, 17/02/2017 11:00 SA

Truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản tại gia đình ở xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) - Ảnh: TUYẾT DIỆU

Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của các cấp, sự phối hợp tích cực của các ban ngành, đoàn thể và nỗ lực của ngành DS-KHHGĐ địa phương, công tác DS-KHHGĐ ở huyện Sông Hinh có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

 

Nhiều chuyển biến tích cực

 

Theo Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh, tính riêng trong năm 2015 và 2016, tỉ suất sinh trên địa bàn huyện giảm từ 17,26‰ năm 2015 xuống còn 11,8‰ năm 2016; kết quả thực hiện các biện pháp tránh thai trong năm 2016 là gần 7.000 người, tăng mạnh so với năm 2015… Có được kết quả này, những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả. Cụ thể là quán triệt nội dung của Pháp lệnh Dân số và các văn bản liên quan đến công tác DS-KHHGĐ đến cán bộ, hội viên, từng người dân ở các thôn, buôn xa xôi, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Hoạt động truyền thông được tổ chức với nhiều hình thức như: Hội thảo, nói chuyện chuyên đề, phát thanh, truyền hình, tờ rơi, pa nô, khẩu hiệu, quảng cáo, lồng ghép thực hiện công tác dân số thông qua các phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xây dựng mô hình thôn, buôn không có người sinh con thứ 3 trở lên, các cuộc thi, liên hoan tuyên truyền viên dân số, tuyên truyền bằng băng đĩa tiếng Ê Đê phổ biến trong dân…

 

Bên cạnh đó, mạng lưới cán bộ dân số được tổ chức đến tận 83 thôn, buôn với 142 cộng tác viên và 11 cán bộ chuyên trách dân số xã, thị trấn nhằm phát huy vai trò lực lượng nòng cốt để tuyên truyền, phổ biến chính sách dân số. Huyện tập trung tuyên truyền gắn với cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ có chất lượng, đáp ứng nhanh, thuận tiện nhu cầu tránh thai, chăm sóc SKSS của người dân tại các vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Qua đó, các mô hình truyền thông để tuyên truyền, vận động, cung cấp các thông tin về Pháp lệnh Dân số và các văn bản liên quan, động viên, khích lệ các thành viên thực hiện tốt chính sách dân số; góp phần chuyển biến, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết của KHHGĐ, sinh từ 1-2 con để nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Thách thức sinh con thứ 3

 

Tuy nhiên, với đặc thù là huyện miền núi, mặt bằng dân trí thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt nên công tác DS-KHHGĐ ở Sông Hinh gặp không ít khó khăn. Tỉ lệ giảm sinh chưa thật sự vững chắc và chưa đồng đều giữa các vùng và luôn ở mức cao so với cả tỉnh. Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn ở mức cao, đặc biệt là tình trạng sinh con thứ 3 trong cán bộ, đảng viên vẫn còn. Trong năm 2016, có 108 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, tăng 0,38% so với năm 2015. Công tác phối hợp hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể đôi lúc còn thiếu đồng bộ, chưa tích cực.

 

Bà Văn Thị Gái, cộng tác viên dân số xã Sơn Giang, cho biết: “Về phía người dân, trong gia đình phần lớn người chồng chưa chia sẻ việc thực hiện KHHGĐ với vợ. Phong tục tập quán lạc hậu, trình độ văn hóa, nhận thức của người dân còn hạn chế, thời gian sinh hoạt, tâm lý, tình cảm, tư tưởng trọng nam khinh nữ... ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, việc chuyển đổi hành vi của đối tượng. Ngoài ra, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tại cơ sở còn thiếu tính đồng bộ, nhất quán, chưa cương quyết. Các trường hợp vi phạm sinh con thứ 3 trở lên chưa được xử lý nghiêm, làm giảm hiệu quả của phong trào xây dựng mô hình gia đình ít con”. Bên cạnh đó, tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn xảy ra, vì theo hủ tục kết hôn như thế để giữ của, không bị phân tán ra ngoài. Điều đó không những ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi mà còn ảnh hưởng đến công tác DS-KHHGĐ, chị Gái cho biết thêm.

 

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ các xã, thị trấn đa số đều tích cực hoạt động, tuy nhiên do số cán bộ này mới chuyển giao về trạm, kinh nghiệm thực tế chưa nhiều, chưa quen địa bàn và phong tục tập quán; một số cán bộ vẫn còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tham mưu công tác DS-KHHGĐ cho địa phương còn yếu, chưa đề ra kế hoạch để thực hiện, do đó chưa đáp ứng nhiệm vụ hiện nay.

 

Theo bà Nguyễn Thị Minh Trang, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh, để làm tốt hơn nữa công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn thì cần có cơ chế gắn công tác DS-KHHGĐ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, ngành, địa phương. Chính sách đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích cần phù hợp với những nhóm đối tượng, cộng đồng và các cá nhân thực hiện tốt chỉ tiêu, chính sách về DS-KHHGĐ để động viên phong trào chung. Các chính sách dân số phải được pháp luật hóa để mọi công dân có nghĩa vụ và quyền lợi ngang nhau trước pháp luật về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Mức hỗ trợ cho đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, buôn cần được nâng lên. Mức đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ cần tăng lên, trong đó có việc đầu tư đào tạo cán bộ, cung cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhất là tuyến huyện, xã…

 

NGỌC CƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek