UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai đề án Phát triển nghề công tác xã hội năm 2017 với kinh phí từ ngân sách cấp gần 800 triệu đồng, giao Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện.
Kế hoạch đặt ra từ nay đến hết năm 2017 là tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội cho cán bộ và nhân dân trong toàn tỉnh. Từ đó tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội, ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, đề án sẽ tổ chức đào tạo và đào tạo lại cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm công tác xã hội, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phát triển đội ngũ cộng tác viên làm công tác xã hội. Đề án còn thực hiện truyền thông và tổ chức cuộc thi tìm hiểu và phổ biến pháp luật về phát triển nghề công tác xã hội nhân “Ngày Công tác xã hội Việt Nam” (ngày 25/3 hàng năm); giúp người dân tiếp cận và biết cách sử dụng dịch vụ công tác xã hội.
Năm 2017, các nhân viên, cộng tác viên nghề công tác xã hội cũng sẽ tiến hành tiếp cận, can thiệp và xem xét lập hồ sơ để tham vấn tại chỗ hoặc chuyển đến các trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội (Trung tâm Nuôi dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội) đối với những trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp như: nạn nhân mua bán người, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bỏ rơi không còn người thân chăm sóc, người lang thang xin ăn, người nghiện ma túy đang cai nghiện tại cộng đồng… Chương trình sẽ cấp sổ tay ghi chép công tác xã hội cho cộng tác viên tại 112 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; lập hồ sơ quản lý trường hợp tại cộng đồng đối với người khuyết tật: tổ chức thí điểm mỗi xã, phường, thị trấn về việc lập hồ sơ quản lý các đối tượng bảo trợ xã hội.
HOÀNG LÊ