Thứ Sáu, 04/10/2024 04:27 SA
Lao động di cư ngày càng quan tâm đến việc tham gia bảo hiểm y tế
Thứ Sáu, 06/01/2017 11:19 SA

TP Hồ Chí Minh là nơi đón nhận lượng người di cư lớn trong nước - Ảnh: INTERNET

Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị công bố kết quả chủ yếu điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015 vào tháng 12/2016.

 

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, điều tra Di cư nội địa quốc gia năm 2015 là cuộc điều tra chọn mẫu và nghiên cứu định tính được thực hiện trên phạm vi 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội và 2 thành phố là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

 

Đây là cuộc điều tra di cư nội địa quốc gia lần thứ hai, sau cuộc điều tra đầu tiên vào năm 2004 do Tổng cục Thống kê thực hiện tại Việt Nam, nhằm phục vụ xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và chính sách đối với người di cư; đồng thời cung cấp thông tin cho các nghiên cứu chuyên sâu về di cư nội địa ở Việt Nam...

 

Theo số liệu hiện có, tuổi của người di cư năm 2015 phần lớn tập trung ở nhóm trẻ (15-39), chiếm tỉ trọng 84% so với tổng số người di cư. Trong đó, nữ chiếm tỉ trọng 52,4% và nam chiếm tỉ trọng 47,6%. Kết quả này một lần nữa khẳng định nhận định về hiện tượng “nữ hóa” di cư đã được nhắc đến trong các cuộc điều tra di cư Việt Nam năm 2004 và các cuộc điều tra khác.

 

Số liệu điều tra cũng cho thấy, tỉ lệ người di cư có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn người không di cư (31,7% so với 24,5%). Đặc biệt, tỉ lệ phần trăm người di cư có trình độ cao đẳng, đại học hoặc trên đại học là 23,1%, trong khi tỉ lệ này ở người không di cư là 17,4%. Sự khác biệt này một phần do tác động của cơ cấu tuổi trẻ hơn của nhóm di cư so với nhóm không di cư. Trong thực tế, nhiều người trẻ đã di cư tới thành thị - nơi có nhiều cơ sở đào tạo để tiếp tục học ở các bậc học cao hơn.

 

Cũng theo kết quả điều tra, đa số người di cư có việc làm ở nơi đến, cho thấy họ không đóng góp vào việc làm tăng tỉ lệ thất nghiệp tại điểm đến. Phần lớn những người di cư không có việc làm là những người di cư vì lý do học tập. Đông Nam Bộ là nơi có tỉ trọng người di cư đang làm việc cao nhất nước (87,8%); tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng (81%). Đây là hai khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp trong cả nước và thu hút một lượng lớn lao động nhập cư đến làm việc.

 

Hầu hết người di cư cho biết, họ được hưởng lợi từ di cư. Gần 54% người di cư cảm thấy công việc của họ sau khi di cư tốt hơn hoặc tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Trong tất cả những khó khăn gặp phải thì khó khăn về chỗ ở được đề cập đến nhiều nhất. Có tới 42,6% người di cư cho biết họ gặp khó khăn về chỗ ở. Người di cư thường nhận sự giúp đỡ từ gia đình, họ hàng và bạn bè. Rất ít người nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương hoặc các cơ quan, đoàn thể ở nơi đến.

 

Đặc biệt, kết quả điều tra năm 2015 cũng cho thấy, 2/3 người di cư và không di cư cho biết hiện đang có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Nhóm nghiên cứu nhận định, đây là một sự cải thiện lớn trong công tác BHYT so với 10 năm trước đây. Tỉ lệ có thẻ BHYT của người di cư đã tăng từ 36,4% năm 2004 lên 70,2% năm 2015. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt rõ rệt về việc có thẻ BHYT ở các vùng. Trong khi khu vực trung du và miền núi phía Bắc có trên 80% người di cư và người không di cư có thẻ BHYT; thì ở khu vực Tây Nguyên - nơi phần lớn người lao động làm nông nghiệp cá thể và khu vực Đông Nam Bộ chỉ có hơn 50% có thẻ BHYT. Hiện cả nước vẫn còn gần 30% người di cư và không di cư chưa có thẻ BHYT.

 

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, mặc dù kết quả trên rất ấn tượng, nhưng với việc còn gần 1/3 số người không có BHYT cho thấy sự cần thiết phải nỗ lực tăng cường truyền thông để người di cư hiểu rõ hơn về lợi ích của việc tham gia và duy trì tham gia BHYT. Việc không có thẻ BHYT đang là một thách thức không nhỏ trong việc chăm sóc sức khỏe, vì họ có thể phải chi trả một khoản tiền đáng kể cho các dịch vụ y tế khi bệnh đau.

 

Trưởng Đại diện UNFPA, bà Astrid Bant nhận định: “Kết quả của cuộc điều tra cung cấp bằng chứng giúp chúng ta hiểu hơn về tác động tích cực và thách thức của di cư nội địa ở Việt Nam. Từ đó, giúp xác định những thay đổi cần thiết trong chính sách cũng như giúp người di cư có thêm nhiều lựa chọn, đặc biệt là những người di cư nghèo và dễ bị tổn thương, để xã hội đều được hưởng lợi từ quá trình di cư vì lý do kinh tế và tự nguyện”.

 

TUYẾT TRẦN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek