Thứ Sáu, 04/10/2024 00:20 SA
Đến vùng cô lập sau cùng của rốn lũ
Thứ Sáu, 11/11/2016 08:12 SA

Người dân thôn Quang Thuận và Tư Thạnh “tăng bo” nông sản qua suối Cái đem đến chợ trung tâm xã những ngày sau lũ - Ảnh: TRẦN QUỚI

An Lĩnh là xã sau cùng của huyện Tuy An và cả tỉnh vẫn còn bị chia cắt do lũ đến ngày 9/11. Chính quyền địa phương phải cứu trợ khẩn cấp cho những vùng bị cô lập nhiều ngày. Sau lũ, tất cả những con đường liên thôn đều bị sạt lở, lầy lội, cầu tạm bắc qua suối bị sập khiến người dân, học sinh rất khó khăn và gặp nguy hiểm khi đi lại…

 

Đường sá hư hỏng 80%

 

Chúng tôi phải mất nửa ngày đường mới có thể tiếp cận được những vùng dân cư bị cô lập nhiều ngày nhất ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An) dưới sự giúp sức của bộ đội và cán bộ địa phương.

 

Chiếc xe hai cầu chuyên đi đường núi giằng xóc liên tục, thỉnh thoảng có cảm giác như đầu xe quay ngược, bánh xe quay tua không tiến được ở những đoạn đường ngập ngụa bùn trơn đỏ quạch, khiến chúng tôi hồi hộp chăm chú theo dõi từng động tác quay vô lăng của bác tài.

 

Đến được trụ trở UBND xã đã gần 12 giờ trưa. Rất may, trong lúc dừng xe, để ghi lại hình ảnh những đoạn đường hư hỏng sụt lún trên đường thì chúng tôi gặp Bí thư Đảng ủy xã An Lĩnh Nguyễn Quốc Dũng. Ông Dũng vừa từ hiện trường cùng bộ đội giúp sửa đường về nhà. Ông Dũng cho biết:

 

 “Trong đợt lũ lụt vừa qua, nhiều thôn trong xã như Quang Thuận, Thái Long, Tư Thạnh, Phong Thái bị cô lập nhiều ngày liền. Dù không bị ngập, nhưng mưa nhiều, lũ lớn khiến hoa màu của bà con hư hại nặng nề. Các tuyến đường giao thông trong xã bị hư hỏng, sạt lở, lầy lội đến 80%”.

 

Theo thống kê của UBND xã An Lĩnh, tổng thiệt hại trên địa bàn gần 17 tỉ đồng. Trong đó thiệt hại chủ yếu là hệ thống giao thông. Ông Dương Viết Nam, Chủ tịch UBND xã An Lĩnh, thông tin: Hầu hết các tuyến đường liên xã từ An Lĩnh đi An Nghiệp, An Thọ, thị trấn Chí Thạnh được bê tông kiên cố nhưng nhiều đoạn vẫn bị lũ làm sụt lún, xói lở tạo thành hầm hố, rãnh sâu. Hơn 30km đường liên thôn bị hư hỏng. 3 chiếc cầu tạm ở thôn Thái Long (2 chiếc) và Phong Thái đi xóm Vườn, thôn Quang Thuận bị lũ cuốn trôi, một bờ tràn bị sụt lún; 2 hệ thống kênh mương đồng Kế và đồng Máng bị bể, hư hỏng nhiều đoạn.

 

Chính vì cầu sập nên nhiều ngày liền các thôn trong xã bị chia cắt hoàn toàn. Người dân tự xoay xở cuộc sống tạm bợ trong những ngày mưa lũ. Sau khi lũ rút lại trơ ra những con đường hư hỏng, sạt lở, bùn đất ngập ngụa, trơn trượt khiến việc đi lại của người dân và học sinh hết sức khó khăn, nguy hiểm.

 

Học sinh lội bùn, băng suối đến trường sau lũ

 

Cả xã An Lĩnh có 170 học sinh THCS, 211 học sinh tiểu học, gần như chung cảnh lội bùn, băng suối đến trường sau lũ.

 

Em Phạm Tiến Sinh, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Hoa, cho biết: “Những ngày sau lũ, đường đến trường hư hỏng nặng, lầy lội nên rất khó đi. Nhà cách trường chỉ hơn 3 cây số, nhưng em phải đi trước cả 2 giờ đồng hồ mới kịp. Tội hơn nữa là những em lớp nhỏ, đi xe chưa vững bị trượt té, người dính đầy bùn phải quay về”. Thầy giáo Nguyễn Quốc Dũng dạy lớp 6, 7 ở Phân trường thôn Thái Long, chia sẻ: “Cứ mùa mưa là những con đường liên thôn bị lầy rất khó đi. Cơn lũ vừa qua càng làm đường hư hỏng nặng khiến việc đi lại càng vất vả. Người lớn đi còn dễ tai nạn, huống hồ các em học sinh. Nhiều lúc vào lớp thấy quần áo các em dính bùn đất mà thương”.

 

Nhưng đây chưa phải là khó khăn nhất trên con đường đến trường của học sinh xã An Lĩnh sau lũ. Đúng 1 tuần sau cơn lũ lớn, nước ở suối Cái đã “rọt” hơn cả mét nhưng mực nước vẫn cao gần lút bánh xe đạp và chảy mạnh, các em học sinh phải kết thành đoàn dò dẫm qua suối. Ông Phạm Hồng Thái, Bí thư chi bộ thôn Quang Thuận, cho biết: “Mặc dù nước đã rút, nhưng các cháu học sinh khi qua suối này rất nguy hiểm. Những ngày này, lực lượng tình nguyện và người dân địa phương đã hướng dẫn, giúp các em qua suối”. Chị Nguyễn Thị Kim Loan ở vùng 7, thôn Quang Thuận, kể: Ngày lũ đầu tiên, con gái tôi học lớp 9, trên đường về nhà, đến suối Cái, nước ngập cả đọt tre, chảy xiết, chỉ biết đứng khóc. Tôi ở bên này suối cũng chỉ biết khóc. May mà sau đó, đứa anh lớn học lớp 11 cũng nghỉ học về nhà tránh lũ nên cùng em quay ngược đường tìm nhà người quen trú tạm chờ nước rút mới lội suối về nhà.

 

An Lĩnh cần 7 cầu dân sinh

 

Không phải đến đợt lũ vừa rồi, người dân ở xã An Lĩnh mới gặp khó khăn khi qua lại những con suối, bờ tràn. Chỉ cần mưa lớn kéo dài là nước trên nhiều con suối đã lên rất nhanh, chảy mạnh khiến việc đi lại cách trở. Theo Bí thư Đảng ủy xã An Lĩnh Nguyễn Quốc Dũng, hiện nay người dân các thôn cần 7 cây cầu dân sinh bắc qua suối. Thực tế chỉ có 3 cây cầu tạm, nhưng cũng đã bị lũ cuốn trôi vừa được bộ đội dựng lại, những vị trí còn lại lâu nay người dân tự lội qua suối.

 

Hai thôn cần có cây cầu kiên cố nhất là Quang Thuận và Tư Thạnh ngăn cách trung tâm xã bởi suối Cái. Chiều rộng suối Cái ở đoạn này dài hơn 100m, mùa mưa nước rất lớn nhưng lâu nay không có được một cây cầu. Ông Phạm Hồng Thái nói: “Người dân hai thôn rất bức xúc khi chưa có cây cầu bắc qua suối. Chúng tôi nhiều lần đề xuất, kiến nghị lên xã, xã kiến nghị lên cấp trên nhưng chờ hoài không thấy”. Ông Nguyễn Bội Trưng, một người dân ở đây bức xúc, nói: “Dân thôn Quang Thuận và Tư Thạnh chỉ có một mơ ước nhỏ là Nhà nước làm cho cây cầu bắc qua suối để thuận tiện cho việc đi lại. Trong các cuộc hội họp, tiếp xúc cử tri, dân đã nhiều lần kiến nghị việc xây cầu. Chúng tôi chỉ biết ngồi bó gối ở nhà chẳng thể đi đâu được khi nước suối dâng cao”.

 

Không chỉ người dân ở hai thôn này, mà các thôn Thái Long, Phong Thái, Long Lãnh (xã An Lĩnh) đều có nhu cầu bức thiết về cầu dân sinh qua suối. Đợt mưa lũ vừa qua đã cuốn đi 2 cây cầu tạm - nơi duy nhất để bà con vùng 3 và vùng 8 thuộc thôn Thái Long, xã An Lĩnh đi lại. Cầu bị cuốn trôi khiến trên 70 hộ với khoảng 200 nhân khẩu của thôn Thái Long bị cô lập nhiều ngày liền, chính quyền địa phương phải cứu trợ khẩn cấp mì ăn liền và nước uống. Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư chi bộ thôn Thái Long, cho biết: “Thôn Thái Long bị cô lập cả tuần. Sau lũ, con em đi học phải nhờ người lớn cõng qua suối. Chúng tôi mong muốn có cây cầu mới để đi lại thuận tiện hơn”.

 

Không có cầu qua suối, mỗi khi mưa lớn kéo dài hay trong mùa mưa lũ hàng năm, cuộc sống của người dân xã An Lĩnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc buôn bán nông sản, đưa người đi chữa bệnh, việc đi lại học hành của con em rất khó khăn. Ai có việc khẩn cấp phải lội qua suối giữa con nước lớn cực kỳ nguy hiểm. Bà Phùng Thị Ngọc Lan ở thôn Quang Thuận, nói: “Không có cầu, nông sản của người dân bị tư thương ép giá vì vận chuyển khó khăn. Có bệnh đau khẩn cấp vào mùa lụt dân chúng tôi cũng đành chịu chết. Vừa rồi trong thôn có một chị đau bụng, phải huy động thanh niên trong thôn khiêng võng qua suối Cái giữa nước lớn để xuống bệnh viện huyện sinh”.

 

Nhu cầu cầu dân sinh của nhân dân xã An Lĩnh là rất bức xúc. Qua kênh chương trình xây cầu dân sinh của Trung ương Đoàn, huyện Tuy An được hỗ trợ xây dựng 8 cây cầu, trong đó xã An Lĩnh được 3 cây, năm 2017 sẽ thi công. Với 4 cây cầu còn lại, theo nhu cầu của nhân dân xã An Lĩnh, huyện đã báo cáo lên Sở GTVT, Tỉnh đoàn để ghi nhận báo cáo lên trên tiếp tục xin hỗ trợ tiếp theo.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An Phạm Ngọc Thanh

 

TRẦN QUỚI - KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek