Thứ Sáu, 04/10/2024 06:28 SA
Khẩn trương dọn vệ sinh môi trường, phòng dịch bệnh sau lũ
Thứ Ba, 08/11/2016 08:14 SA

Sau mưa lũ là thời điểm lực lượng y tế, tình nguyện cùng người dân khẩn trương dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường; xử lý các giếng nước; tuyên truyền nâng cao ý thức phòng tránh dịch, bệnh… Báo Phú Yên phỏng vấn bác sĩ CKI Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, về nội dung này.

 

Bác sĩ Trần Ngọc Dưng - Ảnh: TRẦN QUỚI

* Thưa bác sĩ, sau khi nước rút, ngành Y tế đã triển khai công tác xử lý giếng nước, nguồn nước, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, phòng bệnh như thế nào?

 

- Từ ngày 4/11 đến nay, Sở Y tế tổ chức 5 đoàn công tác về các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để nắm tình hình và chỉ đạo công tác xử lý nguồn nước, hướng dẫn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Ngành Y tế đã huy động tổng lực từ tuyến tỉnh, huyện đến trạm y tế xã, y tế thôn buôn cho công tác này.

 

Trong đợt lũ lụt vừa qua có 15.418 giếng nước bị ngập cần xử lý, trong đó nhiều nhất là các huyện Tây Hòa (3.942 giếng), Tuy An (3.840 giếng), Đồng Xuân (2.806 giếng). Ngay sau khi nước rút, lực lượng y tế các địa phương đã triển khai ngay việc xử lý các giếng nước bằng Cloramin-B. Đến nay đã có 10.757 giếng nước được xử lý. Các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, TX Sông Cầu đã hoàn thành việc xử lý giếng nước. Đến hết ngày 7/11, công tác này cơ bản hoàn tất ở các địa phương còn lại.

 

* Vật tư y tế, thuốc men cho người dân sau lũ lụt được đảm bảo như thế nào? Sở Y tế Phú Yên có đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ không?

 

- Ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã chủ động công tác dự phòng vật tư y tế, thuốc men, cân đối cấp phát cho các địa phương để xử lý khi có thiên tai, dịch bệnh. Những ngày vừa qua, các địa phương đã chủ động sử dụng hơn 410kg Cloramine-B cộng với số tồn tại chỗ kịp thời xử lý giếng nước. Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ thêm 300kg Cloramine-B, đang trên đường vận chuyển về. Sở Y tế Phú Yên cũng đã kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ 1.000kg Cloramin-B; 30.000 viên Aquatabs; 500 lít Permethrin; 10 máy phun ULV. Trước mắt, Bộ Y tế đồng ý cấp ngay một số vật tư y tế, thuốc để khắc phục hậu quả đợt lụt này, gồm: 200.000 viên Cloramin-B, 50 cơ số thuốc, 50 bộ dụng cụ y tế, 150 áo phao.

 

Nhân viên y tế thôn bản xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) xử lý nước bị ô nhiễm cho người dân vùng lũ bằng Cloramin-B - Ảnh: QUỐC HỘI

 

* Được biết, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp, cộng với thời tiết, vệ sinh môi trường sau lũ sẽ khiến tình hình dịch bệnh càng phức tạp hơn. Bác sĩ có khuyến cáo gì về bệnh dịch sau lũ?

 

- Rất mừng là từ khi bị lũ lụt đến nay, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, chưa có những biểu hiện bất thường. Ngành Y tế đang tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh thường gặp sau lũ như bệnh ngoài da, tiêu chảy cấp đặc biệt là SXH.

 

Hiện nay, tình hình SXH vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Đến hết tháng 10, toàn tỉnh ghi nhận 2.224 ca mắc, tăng 138,9% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương có số ca mắc SXH cao như: Phú Hòa (477 ca), Sơn Hòa (334 ca), Tây Hòa (403 ca), TX Sông Cầu (234 ca)… So với các tỉnh trong khu vực, năm nay Phú Yên có số ca mắc ít hơn và đến nay chưa có tử vong do SXH.

 

Trong tình hình thời tiết như hiện nay, các bệnh dịch có nguy cơ gia tăng, vì vậy người dân cần chủ động dọn dẹp vệ sinh, phòng tránh các bệnh thường gặp sau lũ, diệt bọ gậy, ngủ mùng để phòng tránh bệnh SXH.

 

* Đối với lực lượng trong ngành, Sở Y tế đã có chỉ đạo như thế nào về công tác phòng tránh bệnh, dịch sau lũ, thưa bác sĩ?

 

- Qua các đoàn công tác kiểm tra thực tế, cũng như công văn khẩn, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các huyện, thị, thành phố hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường và khử trùng giếng nước, nước sinh hoạt bằng Cloramin-B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn tại các vùng bị ngập lụt. Tăng cường giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt tại các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung, đảm bảo người dân có nước sạch, an toàn để sử dụng. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các loại dịch bệnh tả, lỵ, SXH, ngộ độc thực phẩm sau lũ lụt và xử lý đúng quy định của Bộ Y tế. Các bệnh viện trong tỉnh chuẩn bị đủ điều kiện cho việc khám, chữa bệnh, cấp cứu; hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới. Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trên các phương tiện truyền thông; hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm an toàn, ăn uống chín, sử dụng nước đã được khử trùng; không được dùng nước không đảm bảo vệ sinh để nấu, không ăn các loại thực phẩm ôi thiu, các loại gia súc, gia cầm chết…

 

* Cảm ơn bác sĩ!

 

TRẦN QUỚI (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek