Thứ Sáu, 04/10/2024 08:34 SA
Những “bảo mẫu” Nga
Thứ Hai, 07/11/2016 10:02 SA

Thầy Hiệu trưởng Gri-sen-kô (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các cựu sinh viên của Trường đại học Công đoàn Liên Xô - Ảnh: CTV

Tấm lòng đôn hậu, hiền hòa của người Nga đã trở thành hình tượng mà những người Việt Nam đã từng sống, học tập, công tác, lao động ở Liên Xô trong những năm trước đây không thể nào quên; trong đó có thể nói tiêu biểu là những giáo viên dạy tiếng Nga… Là giáo viên nhưng họ thể hiện như những người mẹ, người chị, người bạn thân thiết của sinh viên, luôn vui với niềm vui của sinh viên, buồn với nỗi buồn của sinh viên.

 

Có lẽ không một ai đã từng qua thời sinh viên ở Liên Xô (cũ) mà không nhớ đến những người giáo viên dạy bộ môn Tiếng Nga trong suốt quá trình học tập của mình.

 

Thật vậy! Giáo viên tiếng Nga đối với sinh viên nước ngoài chẳng những là giáo viên mà còn là “bảo mẫu” vì họ luôn chịu trách nhiệm dạy cho sinh viên nước ngoài tiếng Nga, vừa hướng dẫn cho sinh viên nước ngoài về văn hóa, lịch sử, cách giao tiếp, nếp sinh hoạt ở Nga để sinh viên không bỡ ngỡ khi tiếp cận những nét không phải là truyền thống của dân tộc mình mà họ gặp phải trong sinh hoạt hàng ngày.

 

Giáo viên dạy tiếng Nga đa phần là nữ và lớn tuổi, có trình độ tiến sĩ về ngôn ngữ học, họ vừa dạy tiếng Nga cho học sinh nước ngoài và dạy cả tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha… cho sinh viên, nghiên cứu sinh người Nga và đặc biệt là rất am hiểu về lịch sử và văn hóa Nga. Ngay từ khi đặt chân xuống sân bay Mát-xcơ-va, giáo viên tiếng Nga là một trong những người đón sinh viên nước ngoài. Giáo viên hiểu sinh viên mới sẽ tiếp cận tiếng Nga khó vì vốn tiếng Nga lõm bõm, nên nói rất chậm, giải thích rất rõ ràng, động viên sinh viên mới mạnh dạng nói bằng tiếng Nga.

 

Đối với sinh viên học ngành Xã hội thì có một năm dự bị thời gian này sinh viên chủ yếu học tiếng Nga, học lịch sử và văn hóa Nga, sau đó mới đi sâu học chương trình chính khóa, cho nên giáo viên tiếng Nga rất gần gũi với sinh viên nước ngoài. Giáo viên thường dẫn sinh viên đi siêu thị, đến quầy thuốc, xem phim, xem ca nhạc… hay đi dạo phố và chỉ mọi vật xung quanh gọi chúng bằng tiếng Nga để sinh viên tiếp thu nhanh và nhẹ nhàng. Có thể nói giáo viên tiếng Nga là người gắn bó nhất với sinh viên nước ngoài, sau đó là giáo viên hướng dẫn làm luận văn chỉ bảo từng từ, từng câu ráp lại sao cho hoàn hảo. Đối với sinh viên nước ngoài thì ngoại ngữ của họ là tiếng Nga, từng học kỳ phải vượt qua kỳ thi tiếng Nga bắt buộc.

 

Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn nhớ từng chi tiết nhỏ mà các giáo viên tiếng Nga - những người bảo mẫu đã dạy cho chúng tôi cách giao tiếp văn hóa Nga, nhất là tôn trọng phụ nữ, trẻ em, người lớn tuổi khi đi tàu, xe hay vào thang máy phải nhường chỗ, thấy xách nặng phải giúp đỡ… chính vì vậy cho dù ở tầng 15, 16 nhưng những sinh viên nam muốn đi học đúng giờ thì phải chạy bộ; cho dù sinh viên nam vào phòng học trước nhưng sinh viên nữ vào mà không có ghế phải nhường lại ghế và qua phòng bên mang ghế về để ngồi. Những chi tiết nhỏ nhất cũng được hướng dẫn như cắt móng tay phải thực hiện trong phòng riêng, không được thực hiện nơi công cộng; tiếp khách phải mời vào nhà, không được người đứng trong cửa, người đứng ngoài cửa; việc gọi tên, chào hỏi, gặp mặt chúc tụng nhau cũng rất chi tiết, đối với người lớn tuổi, bạn đồng lứa, người nhỏ tuổi hơn mình thì như thế nào; vào phòng ăn thay vì chào nhau nên thay bằng câu nói chúc ăn ngon.

 

Học ở Nga, việc sinh viên mặc áo vest đi học và thi là chuyện bình thường nhưng giáo viên vẫn dạy: nếu dự những ngày vui, lễ hội nên mặc màu sáng; dự những việc trang trọng, lễ nghi, tang chế nên mặc màu sậm; thông thường không cài cúc áo nhưng lúc quan trọng hay phát biểu nên cài cúc áo.

 

Tấm lòng đôn hậu, hiền hòa của người Nga đã trở thành hình tượng mà những người Việt Nam đã từng sống, học tập, công tác, lao động ở Liên Xô trong những năm trước đây không thể nào quên; trong đó có thể nói tiêu biểu là những giáo viên dạy tiếng Nga… Là giáo viên nhưng họ thể hiện như những người mẹ, người chị, người bạn thân thiết của sinh viên, luôn vui với niềm vui của sinh viên, buồn với nỗi buồn của sinh viên.

 

Nhớ về nước Nga, nhớ những kỷ niệm đẹp trong những ngày sống, học tập trên quê hương Cách mạng Tháng Mười, là một trong những sinh viên học tập và trưởng thành như ngày nay, tôi luôn nhớ về những thầy, cô giáo. Đặc biệt là giáo viên dạy tiếng Nga - những bảo mẫu thân thương. May mắn thay, năm 2014, tôi được Tổng LĐLĐ Việt Nam cử làm Trưởng Đoàn cán bộ Công đoàn Việt Nam tham dự Hội thảo Lao động thế giới thế kỷ XXI và kỷ niệm 90 năm thành lập Trường Công đoàn Liên Xô tại Mát-xcơ-va, gặp lại thầy Hiệu trưởng Gri-sen-kô, nay thầy đã 92 tuổi, cô giáo dạy tiếng Nga Bu-Nô-Va An- Tô-Nhi-Na Pab-Lốp-Na cũng đã 69 tuổi nhưng tình yêu của các giáo viên không hề thay đổi. Biết đoàn của chúng tôi sang, sáng sớm, thầy hiệu trưởng nay làm cố vấn cao cấp cho trường đã có mặt; cô giáo dạy tiếng Nga cho tôi ngày xưa đang đi công tác từ Mỹ bay về 2 giờ sáng, nhưng 6 giờ sáng cô đã có mặt tại trường để đón chúng tôi với những cái hôn nồng ấm và những thanh sô cô la ngon tuyệt.

 

Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, tôi luôn nhớ về những thầy, cô giáo đã thương yêu, giúp đỡ, trang bị cho chúng tôi cả về kiến thức chuyên môn và xã hội để xây dựng quê hương của mình ngày càng giàu đẹp hơn.

 

NGUYỄN THỊ THU VÂN

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Yên 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek