Thứ Sáu, 04/10/2024 08:34 SA
Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Trách nhiệm và sự sẻ chia
Bài 1: Những “lỗ hổng” trong công tác y tế học đường
Thứ Tư, 05/10/2016 07:49 SA

Điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) chưa làm hài lòng người bệnh, cán bộ chuyên trách còn thiếu, gánh nặng thu phí BHYT gây áp lực cho giáo viên chủ nhiệm… là những bất cập mà công tác y tế học đường đang vướng phải. Chỉ khi bài toán này có lời giải, người ta mới có thể tin tưởng thế hệ tương lai sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

 

Công tác chăm sóc sức khỏe cho đối tượng học sinh, sinh viên lúc nào cũng có ý nghĩa thiết thực và được chú trọng ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở nhiều trường học, vấn đề y tế học đường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng thiếu cơ sở vật chất, nhân lực còn khá phổ biến…

 

Không có nhân viên y tế nên giáo viên chủ nhiệm Trường tiểu học Trần Quốc Toản (huyện Đông Hòa) phải trực tiếp sơ cứu cho học sinh bị trầy xước da - Ảnh: HÀ MY

 

Thiếu và yếu

 

Theo thống kê của BHXH tỉnh, cuối năm học 2015-2016, toàn tỉnh chỉ có 115/441 trường có phòng y tế học đường riêng và trang bị các dụng cụ cần thiết phục vụ chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên; 315/441 trường bố trí được cán bộ y tế, nhưng chỉ có 99 người đủ chuẩn để làm việc. Bậc mầm non chỉ có 3/53 cán bộ y tế đạt chuẩn; bậc tiểu học có 38/132 cán bộ y tế đạt chuẩn; bậc THCS có 27/88 cán bộ y tế đạt chuẩn; bậc THPT có 24/35 cán bộ đạt chuẩn.

Tuy đã bước vào năm học hơn một tháng nhưng tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám (huyện Đông Hòa), phòng y tế học đường vẫn đóng cửa. Nhân viên y tế Nguyễn Thị Liễu, thâm niên 14 năm công tác tại trường đã không làm việc từ năm học trước và đến nay vẫn chưa đi làm lại vì không được trả thù lao… Đây cũng là thực trạng của nhiều trường ở huyện Đông Hòa và một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh khi mà việc bố trí nhân viên y tế học đường đạt chuẩn chưa được giải quyết.

 

Tại huyện Đồng Xuân, địa phương 3 năm liền có 100% học sinh tham gia BHYT, nhưng y tế học đường vẫn còn nhiều yếu kém. Trong 28 nhân viên y tế học đường chỉ có 13 nhân viên đạt chuẩn. Thêm vào đó, nhiều trường học trên địa bàn vẫn chưa có phòng y tế riêng, phải sử dụng chung với phòng Đoàn - Đội, phòng họp, hội trường… Một số trường mặc dù được trang bị tủ thuốc, nhưng số lượng thuốc chưa đủ theo danh mục thuốc thiết yếu dùng trong y tế học đường, trang thiết bị khám chữa bệnh ban đầu còn thiếu...

 

Việc không có phòng y tế đạt chuẩn hoặc cán bộ y tế học đường không đủ chuẩn kéo theo hệ quả là cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) các huyện không thể trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu (7% số thu BHYT) về cho nhà trường. Cụ thể, tại huyện Đông Hòa, ông Nguyễn Xuân Vỹ, Giám đốc BHXH huyện cho biết, năm học 2015-2016, huyện Đông Hòa chỉ có 3/35 trường được trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu; còn lại, cho đến nay, các trường khác vẫn chưa được trích chuyển vì nhân viên y tế học đường và một số điều kiện khác chưa đáp ứng theo quy định tại khoản 1, Điều 18 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện BHYT. “Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến lên BHXH tỉnh về vấn đề này nhưng vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ. UBND huyện Đông Hòa đang đợi văn bản hướng dẫn để có cơ sở chỉ đạo BHXH huyện trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe về trường cũng như chi trả thù lao cho nhân viên y tế học đường”, ông Lê Tấn Sang, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cho hay.

 

Gánh nặng đè lên vai giáo viên chủ nhiệm

 

Muốn học sinh, sinh viên tham gia BHYT, các trường học phải được bố trí nhân viên y tế đủ chuẩn, được đầu tư nâng cấp trang thiết bị khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Kêu gọi học sinh bắt buộc tham gia BHYT trong khi nhân viên y tế không có, phòng y tế học đường đóng cửa, quyền lợi được chăm sóc sức khỏe ban đầu của học sinh, sinh viên không đảm bảo thì khó mà thực hiện được mục tiêu BHYT học sinh đạt 100%. (Ông Trần Văn Hạt, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh)

Tại Trường tiểu học TQT (huyện Đông Hòa) trong giờ ra chơi, không khí phòng nghỉ giải lao cho giáo viên đang yên ắng bỗng trở nên rôm rả khi phóng viên đề cập đến việc thu phí BHYT học sinh. Đa số thầy cô giáo đều kêu khổ vì từ khi học sinh trở thành đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, họ mặc nhiên trở thành “đại lý thu BHYT bất đắc dĩ” của cơ quan BHXH. Không chỉ mất nhiều thời gian để làm công việc không đúng chuyên môn của mình, các thầy cô giáo còn gánh trên vai áp lực phải thu đủ 100% BHYT, nếu không sẽ bị hạ thi đua vào cuối năm học. Cô giáo N.T.K.Q than thở: “Giáo viên chủ nhiệm chúng tôi ở trường làm không hết việc, giờ lại “cột” vào trách nhiệm phải đốc thúc việc nộp BHYT của học sinh. Mặc dù đến tháng 12, nhà trường mới triển khai thu tiền BHYT, nhưng từ đầu năm học, ngày nào, giáo viên khi lên lớp cũng phải nhắc nhở học sinh đóng tiền”.

 

Để đốc thúc việc thu phí BHYT đạt chỉ tiêu, hàng năm, cứ vào đầu mỗi năm học, UBND các huyện, thị xã, phòng GD-ĐT liên tục gửi công văn nhắc nhở các trường. Chỉ tiêu đưa về trường, trường đưa về các lớp, giáo viên chủ nhiệm là người chịu trách nhiệm chính. Thế là, thầy cô giáo phải áp dụng nhiều biện pháp để phụ huynh mua BHYT cho con. “Để đạt được chỉ tiêu 100% học sinh đóng BHYT, chúng tôi hết viết giấy, gọi điện thoại, rồi đến tận nhà vận động. Có giáo viên, vì không muốn bị nhà trường nhắc nhở do không hoàn thành chỉ tiêu được giao, dẫn đến bị phê bình, cắt thi đua khen thưởng... đã phải bỏ tiền ra đóng. Tuy nhiên, đóng tiền cho một, hai học sinh thì còn có thể chứ nhiều hơn chúng tôi đành chịu bởi số tiền đó đâu phải nhỏ, gần 500.000 đồng/học sinh”, thầy giáo Đ.N.K, có thâm niên gần 30 năm giảng dạy và làm giáo viên chủ nhiệm tại Trường tiểu học TQT giãi bày.

 

Đa số cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn tỉnh cho rằng việc đưa tỉ lệ học sinh của lớp, trường tham gia BHYT thành một tiêu chí trong bình xét thi đua hàng năm là không hợp lý. Bởi lẽ, các trường ở xã bãi ngang ven biển, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, học sinh đều được miễn đóng phí BHYT 100%. Còn các trường học trên địa bàn khác phải chịu tiêu chí này. Trong khi đó, việc thu phí BHYT với mọi đối tượng nói chung, trong đó có học sinh, sinh viên là nhiệm vụ chính của cơ quan BHXH. Trường học chỉ là đại lý thu, còn giáo viên chủ nhiệm giữ vai trò hỗ trợ thu giúp, sao lại phải “đứng mũi chịu sào” ở khâu khó nhất là vận động và trực tiếp thu phí? BHYT là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, nên nhà trường và giáo viên có nhiệm vụ chia sẻ “gánh nặng” với các cấp, ngành liên quan trong việc tuyên truyền, thu tiền mua thẻ BHYT, tiến tới 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Tuy nhiên, không nên vì mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHYT học sinh mà đưa tỉ lệ học sinh tham gia BHYT thành một tiêu chí trong bình xét thi đua hàng năm, gây áp lực cho giáo viên chủ nhiệm và các trường học”, thầy Đ.Q.H, hiệu trưởng một trường THCS tại huyện Tuy An bày tỏ.

 

Gây khó cho phụ huynh

 

BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn chung rằng, việc tham gia BHYT có thể đóng phí theo chu kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm. Mỗi địa phương tùy thuộc vào tình hình, thống nhất cách thu, có thể trong năm 2015 thu 3 tháng, sau đó sang năm 2016 thu 6 tháng hoặc 12 tháng để giảm áp lực nộp tiền đầu năm học. Tuy nhiên, trong năm học 2015-2016, một số trường vì muốn tạo thuận lợi cho việc thu, đóng BHYT, giảm thời gian cũng như thủ tục hành chính nên ngại chia nhỏ thời gian thu phí, gây áp lực lên phụ huynh.

 

Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, đến ngày 8/8/2016, huyện Đông Hòa có tỉ lệ học sinh tham gia BHYT thấp nhất tỉnh (95%). Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện, đời sống nhân dân trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn nên việc thực hiện BHYT học sinh đạt 100% là rất khó. Tại cuộc họp phụ huynh đầu năm học của Trường tiểu học Hòa Xuân Tây, một số phụ huynh có thu nhập thấp cho rằng việc đóng các khoản BHYT cho con đi học là một gánh nặng không nhỏ. Chị Bùi Thị Đào, có con đang học lớp 4 tại trường, bộc bạch: “Tôi có 3 đứa con, đều đang tuổi đi học. Tôi bị đau cột sống nên không thể làm việc nặng, còn chồng tôi, bị bệnh tim nhưng vẫn phải vào TP Hồ Chí Minh phụ hồ để có tiền lo cho các con ăn học. Gia đình tôi không thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo nên các con không được hưởng các chính sách miễn giảm. Để có thể cùng lúc lo tiền trường, tiền sách vở, học phí, đồng phục cho 3 đứa con, vợ chồng tôi đã phải xoay sở đủ đường. Nay lại có thêm khoản phí BHYT bắt buộc, mỗi đứa gần 500.000 đồng. Thấy cô giáo vận động miết, nghĩ cũng tội cô và thương các con, nhưng hoàn cảnh khó khăn quá, vợ chồng tôi lấy đâu ra tiền để đóng”.

 

Trong khi đó, anh Trần Văn Nam, có con học tại Trường tiểu học Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cho rằng việc khám chữa bệnh bằng BHYT hiện nay còn nhiều thủ tục rườm rà. Anh Nam chia sẻ: “Những năm trước, con tôi tham gia BHYT nhưng mỗi lần bệnh vẫn phải ra ngoài mua thuốc bởi trạm y tế xã thì gần nhưng cơ sở vật chất còn đơn giản quá. Còn muốn khám ở bệnh viện tuyến tỉnh phải đi sớm, xếp hàng rồi chờ đợi cả buổi, mà thủ tục để chuyển tuyến lại nhiêu khê… BHYT, bảo hiểm thân thể hay bất cứ loại bảo hiểm gì, nếu chất lượng tốt không cần bắt buộc chúng tôi cũng sẽ tự mua cho con mình. Nhưng muốn vậy chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe phải được cải thiện”.

 

Bài cuối: Chia sẻ gánh nặng, chăm lo sức khỏe thế hệ trẻ

 

 

THÁI HÀ - HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek