Thứ Sáu, 11/10/2024 10:17 SA
Bảo hiểm y tế, tài sản quý khi ngã bệnh
Thứ Sáu, 01/07/2016 14:00 CH

Toàn dân tham gia BHYT là cách để mỗi người sẻ chia rủi ro với những thành viên trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Trong ảnh: Người dân khám và điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh - Ảnh: CTV

Sống khỏe mạnh là mong muốn chính đáng của tất cả mọi người. Tuy nhiên, có không ít người gặp phải những rủi ro ốm đau, bệnh tật. Lúc này, bảo hiểm y tế (BHYT) trở nên cần thiết và hữu dụng hơn bao giờ hết để người bệnh được chăm sóc, phục hồi sức khỏe.

 

Bảo hiểm “tài sản sức khỏe”

 

Ngày nay, tất cả những thứ tài sản có giá trị cao, quý giá đều được mua bảo hiểm, từ các loại hình bảo hiểm nhân thọ liên quan đến con người đến các loại bảo hiểm phi nhân thọ liên quan đến những tài sản có giá trị như xe cộ, nhà cửa, tàu thuyền… Cho nên, sức khỏe của con người có thể xem là thứ tài sản đặc biệt quý giá cần phải được xem trọng và phải được mua bảo hiểm để đề phòng rủi ro.

 

Bỏ qua những vướng mắc khi tham gia BHYT như cuộc sống của người dân còn nhiều vất vả, thu nhập hạn chế hay chất lượng khám chữa bệnh BHYT chưa cao… khiến một bộ phận người dân chưa hài lòng thì bản thân chiếc thẻ BHYT thật sự là cứu cánh cho rất nhiều người khi chẳng may bệnh tật. Tại thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) ngày hè nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm hỏi nhà anh Nguyễn Văn Tâm đang điều trị ung thư dạ dày, cả thôn ai cũng biết. Nhà anh Tâm ở trong con hẻm nhỏ, gặp và tiếp đón chúng tôi trong căn nhà vách đã hoen màu rêu cũ, chị Nguyễn Thị Hồng, vợ anh Tâm, cho biết: “Nhà tôi chỉ có vài ba sào ruộng, rồi đánh thêm vài mẻ lưới gần bờ nên chỉ đủ cho mấy miệng ăn, không dư dả để tích lũy khi đau ốm. Khi anh Tâm phát hiện bị ung thư dạ dày từ tháng 10/2015, gia đình tôi gần như suy sụp hoàn toàn vì anh là trụ cột chính. Lúc ấy, tôi nghĩ chắc chỉ có đường chết thôi vì có bán hết đất đai, nhà cửa cũng không đủ tiền để chữa trị. Cũng may, chị cán bộ xã biết chuyện đến nhà thăm và động viên gia đình cứ yên tâm lo chữa bệnh vì anh Tâm đã có thẻ BHYT (diện xã bãi ngang) nên khi đi khám bệnh sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị. Có tấm thẻ trong tay, tôi như được sống lại lần nữa. Ngay sau đó, anh Tâm được chuyển lên tuyến trên và đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy”.

 

Chị Hồng cho biết, ngày đưa anh Tâm vào Sài Gòn làm phẫu thuật, chị tích cóp, vay mượn của họ hàng được 25 triệu đồng nhưng chi phí cho ca mổ của anh Tâm đã tốn hết 20 triệu (bệnh của anh đang lúc nặng, phải mổ theo dịch vụ yêu cầu nên không thanh toán bằng thẻ BHYT được). Phẫu thuật xong, trong tay còn lại đúng 5 triệu đồng, chị Hồng ăn ngủ không yên suốt cả tháng ròng. Đến khi anh Tâm được xuất viện thì hai vợ chồng mới thở phào nhẹ nhõm vì chi phí cho cả đợt điều trị sau chỉ tốn thêm hơn 1 triệu đồng, số còn lại đã được quỹ BHYT thanh toán. Giờ đây, cứ định kỳ, anh Tâm lại tái khám và điều trị nhưng gia đình cũng tạm yên tâm vì ngoài chi phí đi lại, ăn uống, gia đình không phải tốn thêm khoản chi phí cho khám chữa bệnh.

 

 Từ khi gia đình xảy ra chuyện, vợ chồng anh Tâm, chị Hồng mới thấm thía và thấy được ích lợi từ tấm thẻ BHYT. Giờ đây, mỗi khi có dịp ngồi với anh em, hàng xóm, chị đều đem chuyện thẻ BHYT ra kể và không quên nhắc mọi người hãy biết quý trọng nó như chính sức khỏe của mình.

 

Cùng sẻ chia vì sức khỏe cộng đồng

 

Chính sách BHYT đã được thể chế hóa bằng Luật BHYT với mục tiêu cao nhất là tiến tới BHYT toàn dân. Thời gian qua, thực hiện chính sách BHYT cho người nghèo, người cận nghèo không những là bước tiến đáng kể trong quá trình xóa đói, giảm nghèo mà còn là cụ thể hóa việc bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài những đối tượng được cấp thẻ miễn phí hoặc hỗ trợ phí mua thẻ BHYT thì vẫn còn khoảng 24% dân số của tỉnh chưa tham gia BHYT.

 

BHYT là loại hình bảo hiểm “lúc khỏe mua thẻ để tích lũy cho lúc ốm”, nhưng từ trước đến nay, đa số người dân đều “lựa chọn ngược” là đến lúc ốm hoặc ốm nặng mới đi mua BHYT và gia đình chỉ tham gia BHYT cho người ốm. Điều này đi ngược lại với bản chất của BHYT là cơ chế tài chính để chia sẻ rủi ro giữa cộng đồng những người tham gia. Trong khi đó, hiện nay, có tới 13 nhóm đối tượng được Nhà nước cấp thẻ miễn phí như: trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, thân nhân người có công, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo... Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ một phần cho các nhóm đối tượng như người cận nghèo, học sinh, sinh viên… Nếu BHYT chỉ dành cho người đau ốm, người được miễn phí cấp thẻ, người được hỗ trợ mua thẻ thì sẽ dẫn đến quỹ BHYT cho đối tượng tự nguyện bội chi.

 

Theo ông Trần Quang Vinh, Giám đốc BHXH tỉnh, nhằm nâng cao quyền lợi của người tham gia BHYT và hướng đến BHYT toàn dân, ngày 29/10/2015, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc có hiệu lực từ 1/3/2016. Theo đó, giá dịch vụ sẽ được tính theo hướng đúng, đủ và người bệnh có thẻ BHYT vào viện sẽ được hưởng các dịch vụ kỹ thuật tốt hơn, kèm theo đó là chi phí người bệnh cùng chi trả cũng sẽ lớn hơn so với thời điểm trước khi thực hiện Thông tư 37 (nhất là đối tượng cùng chi trả 20%). Trước mắt, việc tính đúng, tính đủ này chỉ thực hiện với người có thẻ BHYT nhưng thời gian tới, liên bộ (Bộ Tài chính, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam) sẽ xem xét việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế với người không có thẻ BHYT. Do đó, người dân nên tích cực tham gia chính sách BHYT để hưởng lợi từ dịch vụ y tế và để đau ốm, không trở thành gánh nặng.

 

“Nhiều người cho rằng, tham gia BHYT tốn kém và không cần thiết vì không mấy khi dùng đến thẻ BHYT, nhưng đây là điều may mắn vì không ai muốn sử dụng dịch vụ y tế trừ khi bắt buộc phải có nhu cầu. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu đúng bản chất của BHYT là bảo hiểm cho sức khỏe khi rủi ro đau ốm, bệnh tật, còn khi không cần dùng đến BHYT, tức là chúng ta đang chia sẻ trách nhiệm với gia đình, xã hội và cộng đồng. Đó mới là ý nghĩa nhân văn của BHYT”, ông Trần Quang Vinh, Giám đốc BHXH tỉnh, phân tích.

 

THÁI HÀ - TRẦN ĐOÀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek