Vốn đầu tư tiền tỉ, nhưng khu nội trú 3 tầng dành cho học sinh của Trường THPT Nguyễn Du ở thị trấn Hai Riêng, huyện miền núi Sông Hinh, gần như không phát huy tác dụng. Nhà cửa khang trang, phòng học rộng, khuôn viên thoáng mát, nhưng không mấy học sinh đến ở.
Được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2009, khu nội trú dành cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số của Trường THPT Nguyễn Du ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) có tổng vốn đầu tư gần 3 tỉ đồng với 24 phòng chức năng khang trang, bề thế, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 150 học sinh. Thế nhưng, qua hơn 6 năm đi vào hoạt động, hiện chỉ có 7 phòng phát huy tác dụng với trên dưới 50 học sinh và một số gia đình giáo viên ở xa đến ở, còn lại các em thuê phòng ở bên ngoài.
Em Y Ví, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Du, nói: “Khu nội trú xa trường, trong khi nhiều bạn không có phương tiện đi lại nên phải thuê phòng trọ trong thị trấn ở để thuận tiện cho việc học hành và sinh hoạt, giải trí”. Còn theo phụ huynh học sinh, khu nội trú ở xa trường nên họ phải thuê nhà trọ gần trường với giá từ 400.000-600.000 đồng/phòng cho con ở để thuận tiện cho việc đi lại. Đây là khoản tiền không hề nhỏ đối với những gia đình ở các thôn, buôn còn nhiều khó khăn tại huyện miền núi này.
Khu nội trú của Trường THPT Nguyễn Du tọa lạc đơn độc trên vùng đất sản xuất của người dân địa phương. Quãng đường từ khu nội trú đến trường học gần 2km, không thuận tiện cho việc đi lại và nhu cầu sinh hoạt, giải trí cá nhân. Trước đây, đường ra vào khu nội trú rất khó khăn vì bụi và lầy lội. Sau đó, đơn vị chủ quản là Sở GD-ĐT Phú Yên và UBND huyện Sông Hinh cho làm đường bê tông rộng hơn 5m, nhưng đến nay khu nội trú vẫn không thể phát huy đúng công năng như thiết kế. Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho rằng, khu nội trú ở vị trí vắng vẻ, trong khi tâm lý các em học sinh muốn ở gần trường học ngay trung tâm thị trấn để có đủ điều kiện sinh hoạt, giải trí.
Ông Lương Công Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho biết: Trước kia, do đường vào khu nội trú lầy lội nên học sinh không vào ở, vì vậy xảy ra tình trạng lãng phí. Tuy khu nội trú chưa có dấu hiệu nứt tường nhưng hiện nhiều cửa phòng ở, nhà vệ sinh bị hư hỏng, xuống cấp, vật dụng chất ngổn ngang, rác thải nhếch nhác không khác gì bị bỏ hoang lâu ngày. “Về trách nhiệm của huyện, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và tu sửa trong dịp nghỉ hè này để kịp cho học sinh đến ở trong năm học mới. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất ở đây là Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Du phải có kế hoạch quản lý khu nội trú và vận động các em đến ở”, ông Định nói.
Ông Tùng cho biết thêm, do kinh phí hạn hẹp nên trường chỉ có thể sửa chữa những hạng mục cần sửa chữa cấp thiết. Trong năm học tới, trường sẽ vận động học sinh có nhà ở xa đến trọ khu nội trú này nhằm tránh lãnh phí. Thiết nghĩ, trong khi công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh đưa con em vào khu nội khú chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, thì Sở GD-ĐT Phú Yên cùng với huyện Sông Hinh cần sớm có giải pháp bảo vệ; đồng thời sửa chữa những hạng mục hư hỏng, nếu không công trình sẽ tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí tài sản của Nhà nước và nhân dân.
PHƯƠNG NAM - HOÀNG LÊ